Tình trạng chủ đầu tư cố tình chây ì không chịu bàn giao tiền phí bảo trì cho cư dân nhà chung cư đang diễn ra khá phổ biến.
Khoản tiền này có khi lên đến hàng chục tỉ đồng, nhất là ở những chung cư cao cấp.
Chủ đầu tư tòa nhà Keangnam chây ì không trả cư dân hơn 100 tỉ đồng kinh phí bảo trì đã 4 năm nay - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo tính toán của chúng tôi, tổng số tiền 2% cư dân đã đóng lên đến 160 tỉ đồng, chưa kể lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, chủ đầu tư nói quỹ này chỉ có 125 tỉ đồng, đã sử dụng 1,7 tỉ đồng. Quá quắt hơn, Keangnam Vina còn đề nghị trả cho Ban Quản trị của cư dân trong vòng 25 năm, mỗi năm 5 tỉ đồng. Cư dân chúng tôi không thể chấp nhận sự vô lý đó Đại diện Ban Quản trị chung cư Keangnam |
Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chây ỳ không trả. Từ đó đến nay, Ban Quản trị tiếp tục nhiều lần gửi văn bản đòi quỹ bảo trì tòa nhà nhưng Vinaconex vẫn “trơ như đá”, viện nhiều lý do để thoái thác trả tiền cho cư dân. Mới đây nhất, Ban Quản trị chung cư N05 tiếp tục gửi văn bản yêu cầu Vinaconex trước ngày 15.10.2015 phải có thông báo rõ ràng bằng văn bản về tên ngân hàng, số tài khoản gửi tiền quỹ bảo trì nhà chung cư này. Đồng thời phải cung cấp sao kê chi tiết các giao dịch của tài khoản này từ khi lập đến ngày 30.9.2015 nhưng chủ đầu tư vẫn quyết... chây ì.
Ông Lê Doanh Yên, Phó tổng giám đốc Vinaconex, cho biết đã gửi văn bản giải thích việc chậm bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân N05 là do quy định của pháp luật chưa rõ ràng nên không bàn giao. Vinaconex vin vào Quyết định 01/2013 của UBND TP.Hà Nội về việc ban hành Quy chế quản lý nhà chung cư trên địa bàn quy định chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi tại ngân hàng với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không thời hạn, giữ tài khoản này đến khi Ban Quản trị được thành lập rồi bàn giao cho doanh nghiệp được Ban Quản trị lựa chọn vận hành nhà chung cư.
Tuy nhiên, tại Quyết định 08/2008 - Bộ Xây dựng trước đó yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì cho Ban Quản trị. Ban Quản trị quản lý tài khoản quỹ bảo trì tòa nhà dưới hình thức đồng sở hữu. Ông Yên cho rằng, số tiền 70 tỉ đồng không hề nhỏ, nên không thể tùy tiện bàn giao khi pháp luật chưa có quy định rõ ràng. Khi nào có hướng dẫn cụ thể, Vinaconex sẽ trả lại cho người dân theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Huy Thịnh, Trưởng ban Quản trị cụm chung cư N05, cho biết Ban Quản trị đã được UBND Q.Cầu Giấy, Hà Nội cấp chứng nhận, như vậy là đầy đủ tư cách chức năng để quản lý tiền quỹ bảo trì. Dù vậy, sau hơn 3 năm hoạt động, nhiều hạng mục nhà chung cư này đã xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa.
Xén bớt quỹ
Lâm vào tình trạng tương tự là chung cư cao cấp Sky City ở số 88 Láng Hạ (Q.Đống Đa, Hà Nội). Chị Nguyễn Thị Việt Nga, Phó ban Quản trị nhà chung cư này, cho biết cư dân bắt đầu dọn về ở từ năm 2010 nhưng đến nay chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex (do bà Dương Quỳnh Trang là giám đốc) vẫn cố tình lần lữa giữ của cư dân hàng chục tỉ đồng tiền quỹ bảo trì. 2% phí bảo trì của tổng số các căn hộ cư dân đã mua là hơn 37 tỉ đồng, nhưng sau thời gian dài đấu tranh, cư dân mới đòi lại được gần 30 tỉ đồng, còn lại gần 10 tỉ chưa trả.
“Bên cạnh đó, cư dân tính theo giá bán hơn 60 triệu đồng/m2 thì 2% phí bảo trì của các phần diện tích chủ đầu tư còn giữ lại là 12 tầng ở tòa A, 3 tầng ở tòa B, tầng hầm, penhouse lên đến 31 tỉ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ tính với mức giá bán cực bèo là 4 triệu đồng/m2 nên 2% phí bảo trì của phần diện tích chủ đầu tư còn giữ lại chỉ hơn 1,5 tỉ đồng. Dù thế, họ cũng chỉ mới chuyển trả cư dân 50% số này. Phần còn lại, vẫn chây ì với lý do chưa quyết toán xong công trình. Trong khi đó, mặt bằng giá chung cư cao cấp 88 Láng Hạ thuộc quận trung tâm TP.Hà Nội không dưới 3.000 USD/m2, vậy mà chủ đầu tư chỉ tính 4 triệu đồng/m2 để ăn bớt tiền phí bảo trì”, chị Nga vạch mặt Công ty TNHH Hanotex.
Chuyện chậm trả quỹ bảo trì nhà chung cư không chỉ có ở chủ đầu tư nội mà ngay cả các chủ đầu tư ngoại cũng chây ì với mức độ nghiêm trọng hơn. 4 năm nay, cư dân tòa nhà Keangnam (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn thấp thỏm lo mất số tiền hơn 160 tỉ đồng mà chủ đầu tư vẫn giữ. Nỗi lo càng nhân lên gấp bội khi Tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc là công ty mẹ của chủ đầu tư tòa nhà Keangnam có tên Công ty TNHH MTV Keangnam VN (Keangnam Vina) bị vỡ nợ, rao bán tòa nhà này hồi tháng 5 vừa qua.
“Theo tính toán của chúng tôi, tổng số tiền 2% cư dân đã đóng lên đến 160 tỉ đồng, chưa kể lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, chủ đầu tư nói quỹ này chỉ có 125 tỉ đồng, đã sử dụng 1,7 tỉ đồng. Quá quắt hơn, Keangnam Vina còn đề nghị trả cho Ban Quản trị của cư dân trong vòng 25 năm, mỗi năm 5 tỉ đồng. Cư dân chúng tôi không thể chấp nhận sự vô lý đó", đại diện Ban Quản trị tòa nhà cho hay.
Cũng theo vị này, sau khi cư dân nhờ báo chí lên tiếng, UBND Q.Nam Từ Liêm có văn bản tối hậu thư yêu cầu Keangnam Vina phải trả lời cư dân dứt khoát về khoản phí bảo trì trước ngày 28.6.2015. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn chây ì không trả.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà VN nêu ý kiến, người mua nhà chung cư thường phải đóng ngay 2% phí bảo trì mới được nhận nhà ở, nhưng sau đó lại lâm vào thế đuổi đuôi chủ đầu tư đòi khoản tiền của chính mình đã bỏ ra. Trong khi đó, vai trò của cơ quan chức năng can thiệp vào vẫn quá mờ nhạt để tình trạng các chủ đầu tư một mình một sân, vừa đá vừa thổi còi. Tình trạng này hiện diễn ra khá phổ biến ở nhiều nhà chung cư. Lâu dần, tòa nhà không có nguồn kinh phí duy trì sẽ nhanh chóng xuống cấp, ảnh hưởng đến vận hành, an toàn của cư dân. Về lâu dài, những tranh chấp này sẽ khiến người dân ngán ngẩm nhà chung cư, trong khi đây là xu thế đô thị hiện đại.
Tiền của ai, người đó quản
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), khẳng định quỹ bảo trì nhà chung cư phải được bàn giao cho cư dân, cụ thể là Ban Quản trị nhà chung cư theo nguyên tắc tiền của ai người đó quản. Vừa qua Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở 2014, trong đó nêu rõ quy định trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn thì Ban Quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân. Trường hợp quá thời hạn quy định trả kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao thì UBND sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi. Trong 3 ngày sau khi nhận được quyết định cưỡng chế trả kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị, tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản sẽ chuyển tiền cho Ban Quản trị.