Chạy đua với nhà giá thấp

Cập nhật 08/03/2013 10:00

Cùng với sự nhanh nhạy, chủ động của khối doanh nghiệp, những khoản tín dụng ưu đãi sẽ khởi động lĩnh vực nhà ở xã hội để tạo nên liều thuốc hồi sức cho thị trường bất động sản (BĐS).

Không bị động chờ ưu đãi

Tin vui về việc Chính phủ sẽ dành 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội được vay trong vòng 5 năm, cá nhân thuộc diện thu nhập thấp được vay trong 15 năm làm tăng thêm hy vọng của nhiều người mong muốn có chốn an cư. Niềm vui đó càng có cơ sở khi, tại TP.HCM, các doanh nghiệp đã triển khai rầm rộ nhà giá thấp từ giữa năm 2012 và vì thế, nhiều chuyên gia dự báo, nhà giá thấp sẽ là tâm điểm của thị trường BĐS năm 2013.

Trên thực tế, hiện TP.HCM chưa có doanh nghiệp nào xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhưng thông tin về gói ưu đãi sẽ giúp doanh nghiệp tính toán lại. Lý do là, nhiều dự án đang có mức giá cao hơn giá nhà ở xã hội khoảng 13 - 20% (từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/m2), nếu được hưởng các cơ chế ưu đãi được quy định tại Nghị quyết 02, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong chuyển đổi và người dân sẽ có thêm cơ hội mua nhà từ những dự án đã và đang hoàn thiện.

Chị Huế, người đang tìm mua căn hộ giá thấp cho biết: “Nếu lãi suất 6%/năm được áp dụng cho tất cả các đối tượng mua nhà giá thấp, thì với việc mua căn hộ khoảng 600 - 700 triệu đồng, người dân có thu nhập thấp sẽ dễ dàng hơn trong tính toán”.

Không chờ ưu đãi từ giải pháp, các doanh nghiệp tại TP.HCM đã đưa ra các gói sản phẩm nhà giá thấp theo xu thế thị trường. Công ty Đất Lành triển khai nhà giá thấp ngay tại thời điểm thị trường BĐS còn đủ sức nóng theo hướng vẫn giữ nguyên chất lượng sản phẩm, nhưng
sẽ giảm diện tích xuống dưới quy chuẩn (thấp hơn 45 m2/căn hộ) để có giá thành thấp hơn. “Tuy nhiên, trước đây, khi triển khai hướng đi này, Đất Lành gặp không ít phiền toái. Sau này, khi chủ trương cho phép chia nhỏ căn hộ được chấp thuận, thì số căn hộ to đã chia và bán chỉ còn khoảng 20%”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành chia sẻ.

Tương tự, Công ty Lê Thành đã chuyển từ bán nhà trọn gói sang cho thuê dài hạn trong vòng 15 năm và 49 năm. Thế nhưng, “các căn hộ bé đã bán hết từ lâu, hàng tồn chỉ còn những căn hộ 60 - 80 m2 thôi”, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết. Ông Nghĩa cho biết thêm, lúc đầu, Lê Thành tung gói căn hộ cho thuê trong vòng 15 năm và đã bán được 25 căn, sau đó là gói cho thuê 49 năm và bán được khoảng 60 căn. Tuy nhiên, trước những diễn biến mới của thị trường, nhiều khả năng Lê Thành sẽ dừng triển khai gói cho thuê dài hạn để chuyển sang bán trọn gói, hoặc cho thuê ngắn hạn. Theo đó, căn hộ tại Lê Thành Twins Tower có giá 1 - 1,1 tỷ đồng có diện tích 70 - 80 m2. “Phải xem xét nhu cầu của khách hàng tại những thời điểm cụ thể, thì Công ty mới đưa ra quyết định là cho thuê hay bán, tùy theo diễn biến thị trường mà linh hoạt trong định hướng sản phẩm”, ông Nghĩa cho biết.

Vẫn là những nút thắt cũ

Cố gắng tìm hướng để bán sản phẩm dường như là “nỗi lòng” của nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS lúc này. Nhà giá thấp được xem là mấu chốt của thị trường BĐS năm 2013, do vậy, các doanh nghiệp đều triển khai nhanh, ngay cả khi mới chỉ được “chạm nhẹ” vào ưu đãi từ chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS năm 2013, ví dụ như vấn đề về thuế, tiền thuê đất...

Ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn Gia Định băn khoăn: “Liều thuốc cho thị trường BĐS đã được bốc, bây giờ chỉ việc thực hiện, mà sao khó khăn đến vậy. Doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao, người mua nhà vẫn phải vay với lãi suất trung bình 14 - 15%/năm. Một số dự án được ngân hàng hỗ trợ mức 12%/năm vẫn chưa hấp dẫn người mua. Những nút thắt đó đã kiến nghị khắp nơi, nhưng vẫn chưa thấy sửa”.

Ngay tại thời điểm, khi mà tất cả đều đã từng nghe về gói lãi suất ưu đãi, nhưng nút thắt về lãi suất vẫn đang là cửa ải ngăn người mua tiến vào thị trường BĐS. Bởi lẽ, khi ưu đãi mới chỉ là “nghe thấy”, thì “lãi suất cho vay mua nhà khó giảm thêm” đang là câu trả lời từ đại diện của nhiều ngân hàng với phóng viên Báo Đầu tư. Chẳng hạn, gói tín dụng 5.000 tỷ đồng của Eximbank giải ngân cho khách hàng cá nhân với lãi suất cố định trong 2 năm đầu là 12%/năm, qua mấy tháng chỉ giải ngân được vài trăm tỷ đồng. Dù không giải ngân được, nhưng để chủ động kiểm soát nợ xấu, ngân hàng không thể “nới” những điều kiện bị khách hàng coi là “khó vượt qua được ải về tiêu chuẩn”.

Ngoài khó về lãi suất thực khi giao dịch, tại TP.HCM, các doanh nghiệp đầu tư BĐS chủ yếu là các công ty tư nhân, nên việc tham gia chương trình nhà ở xã hội không được họ kỳ vọng nhiều. Nguyên nhân của sự “ít kỳ vọng đó” là do họ biết được khẳng định từ Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Theo đó, ông Nam khẳng định: “Nhà nước có nhiều ưu đãi, thì Nhà nước phải nắm. Bộ Xây dựng chỉ nắm được doanh nghiệp thuộc Bộ, chứ không thể nắm hết tất cả doanh nghiệp kinh doanh BĐS”.

Với những lý do như vậy, có lẽ, tại thời điểm này, các doanh nghiệp tại TP.HCM nhận thấy, khó nhận được ưu đãi trực tiếp từ cơ chế, mà chỉ là những thuận lợi gián tiếp, nếu thị trường BĐS hồi phục.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư