Thảm hoạ khủng khiếp tại chung cư cao cấp Carina đã trôi qua được một tuần, thế nhưng hậu quả để lại thì không biết bao giờ mới giải quyết hết.
Ngoài những thiệt hại về người, vấn đề được quan tâm nhiều nhất có lẽ là việc tái ổn định đời sống cho những người thoát nạn. Thảm hoạ là điều không ai mong muốn, nhưng khi xảy ra, thì những bên có liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.
Chủ đầu tư chung cư Carina có thể phá sản vì vụ cháy.
|
Bồi thường thiệt hại sau những vụ hoả hoạn lớn như vậy là vô cùng phức tạp, và sẽ khó diễn ra khi chưa có kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng. Thậm chí vụ cháy trung tâm thương mại ITC vào năm 2002, khiến 60 người thiệt mạng, cũng mất đến 10 năm mới giải quyết được các vấn đề pháp lý liên quan đến trách nhiệm bồi thường của các bên và sự tham gia của bảo hiểm. Nói vậy để thấy sẽ mất rất nhiều thời gian để câu chuyện bồi thường đi đủ trình tự pháp lý, và đến được với những người bị nạn. Và kể cả khi đến được, con số bồi thường theo bảo hiểm cũng nhiều khả năng không đáng kể so với những mất mát trong vụ cháy.
Nhưng việc trợ giúp nạn nhân đối diện với những khó khăn về mất mát tài sản và xáo trộn cuộc sống không thể chỉ nhìn dưới góc độ pháp lý. Những hợp đồng mua nhà chung cư không chỉ được bảo đảm bằng pháp luật, mà còn bằng chính uy tín của chủ đầu tư. Khách hàng mua nhà phần lớn là để "an cư lạc nghiệp", chứ không phải sống tạm bợ ngày một ngày hai trong nhà trọ hay khách sạn. Họ mua nhà không chỉ vì tiện nghi cao cấp, vị trí thuận lợi, hay thể hiện địa vị xã hội, mà còn bởi niềm tin vào việc chủ đầu tư sẽ là người bảo vệ cuối cùng mỗi khi có sự cố xẩy ra. Thế nên xây chung cư là một ngành đặc thù, khi chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm liên đới cho đến khi hết vòng đời sản phẩm của mình, nhiều khi lên tới 50 năm.
Trong một ngành kinh doanh mà tâm lý người dùng tác động rất lớn đến quyết định mua hàng, những hành động kịp thời, gấp rút, thoả đáng nhằm bảo vệ khách hàng như trong vụ cháy Carina sẽ làm dịu bớt hình ảnh tiêu cực của doanh nghiệp và cơn giận dữ của công chúng. Người tiêu dùng có thể tha thứ cho những sai lầm, bất cẩn của họ và tiếp tục tin tưởng vào doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, cơ chế thị trường cũng sẽ có những công cụ phi pháp lý để trừng phạt những ai, vô tình hoặc cố ý, dẫm đẹp lên niềm tin của khách hàng.
Không phải ngẫu nhiên mà trước cách xử lý được cho là không thoả đáng, giá cổ phiếu của công ty 577 (sở hữu 95% vốn tại Hùng Thanh, chủ đầu tư chung cư Carina) bị tuột dốc thê thảm trong những ngày qua, khiến giá trị vốn hoá của công ty này mất đến 600 tỷ đồng. Ngay sau khi vụ cháy kinh hoàng ở Tp. HCM xảy ra, 577 đã phát thông báo tuyên bố Hùng Thanh là công ty trách nhiệm hữu hạn độc lập và họ chỉ là bên góp vốn, khiến dấy lên nghi ngờ rằng 577 đang muốn rũ bỏ trách nhiệm bồi thường, nếu có.
Tất nhiên, khi có một thảm họa với quy mô lớn như vậy, ngoài doanh nghiệp và cá nhân liên đới, sự hỗ trợ kịp thời đến từ xã hội cũng rất cần thiết để các nạn nhân sớm ổn định cuộc sống. Lấy ví dụ như vụ cháy chung cư Grenfell ở London khiến 71 người thiệt mạng vào năm ngoái, số tiền đền bù cho người thụ hưởng của mỗi người thiệt mạng tối đa là gần 13 nghìn bảng Anh (khoảng 400 triệu đồng), con số không phải là quá lớn tính theo mức thu nhập trung bình của nước này (khoảng 40 nghìn bảng/năm). Chỉ có những trẻ em có cả bố và mẹ qua đời trong thảm hoạ này sẽ được chu cấp đến năm 18 tuổi, với khoản chi phí Reuters ước tính vào khoảng 300 nghìn bảng (10 tỷ đồng). Tổng chi phí bảo hiểm chi trả rơi vào khoảng 4 triệu Bảng. Tuy vậy, quyên góp của rất nhiều thành phần khác nhau trong xã hội Anh đã mang lại hơn 20 triệu Bảng tiền hỗ trợ cho các nạn nhân, gấp bốn lần số tiền trên.
Câu chuyện đền bù sau vụ cháy Carina cũng dẫn đến một vấn đề nhức nhối khác: ai sẽ đại diện quyền lợi cho những người sống ở chung cư trong những sự việc tương tự, yêu cầu có những thay đổi về quy định pháp luật, đàm phán với chủ đầu tư, hay phản đối những trường hợp doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ của mình?
Rõ ràng cùng với tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ, cộng đồng "dân chung cư" đã trở thành một lực lượng dân số lớn, và hơn bao giờ hết, cần có những tổ chức đại diện trên các diễn đàn chính sách hay dư luận xã hội. Đó có thể là tập hợp tự nguyện của những thành viên ban quản trị, tổ dân phố của các chung cư khác nhau, những người nhiệt huyết, hoặc những thành phần khác có quan tâm đến quyền lợi của người dân chung cư.
Khi pháp luật còn chưa đủ nghiêm khắc hay chưa được hoàn thiện, tiếng nói từ những tổ chức như vậy sẽ khiến chủ đầu tư trách nhiệm hơn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, cung cấp dịch vụ, và cả khi xảy ra sự cố. Đây có lẽ lại là một ví dụ nữa mà các đại biểu Quốc hội cần xem xét khi đưa ra thảo luận về quyền lập hội của người dân, vốn chỉ nằm im dưới dạng dự thảo trong hơn chục năm qua.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet