Sáng 6.12, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra toàn diện đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà và dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Surise Bay) Đà Nẵng thời kỳ 2003 - 2016.
Nhiều dự án trên Sơn Trà chưa xây dựng đã chuyển nhượng, nên chính quyền Đà Nẵng đã ra văn bản ngăn chặn giao dịch. Ảnh: Thanh Hải
|
Trong khi đó, trên thị trường bất động sản, nhà, đất biệt thự… của Surise Bay được rao bán, chuyển nhượng sôi động. Có ít nhất 228 căn biệt thự khác trên Sơn Trà đã hoàn tất chuyển nhượng cho một công ty bất động sản tại Hà Nội, chuẩn bị tung ra thị trường…
Nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã cho biết, việc thanh tra đột xuất này là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nhằm thanh tra toàn diện về việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà và tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng thời kỳ 2003-2016.
Đầu năm 2017, từ dư luận báo chí đã phát hiện dự án The Surise Bay đã sử dụng nguồn cát khai thác trái phép tại biển Cửa Đại, Hội An, ngụy tạo nguồn gốc cát khai thác tận huyện miền núi Tây Giang… để sang lấp tại dự án Surise Bay. Chính phủ đã liên tiếp hai lần chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
Tiếp đó, hàng loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý đất đai như chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình khi chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa nộp tiền ngân sách để khắc phục sai phạm theo kết luận Thanh tra chính phủ về đất đai trước đó… đã bị dư luận xới lên nóng bỏng. Trong lúc này, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất tại dự án đang thực trạng xây dựng dở dang này lại diễn ra sôi động. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp, người dân hoang mang khi đã bỏ nhiều tỉ đồng đầu tư tại đây. Tháng 9.2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo thanh tra toàn diện dự án này.
Thời điểm này, trên bán đảo Sơn Trà người dân cũng phát hiện thực trạng thi công theo kiểu xâm hại nghiêm trọng môi trường tự nhiên tại dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa. Khi chính quyền vào cuộc, kiểm tra cũng phát hiện hàng loạt sai phạm về giao đất, chuyển nhượng, đầu tư, xây dựng… Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng xây dựng.
Việc xâm hại rừng tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà tại 40 nền móng biệt thự xây dựng dở này cũng hé lộ nhiều dự án đầu tư du lịch khác, bị nghi ngờ có dấu hiệu sai phạm về quản lý đất đai, giao đất, cho thuê đất rừng. Vì vậy, trung tuần tháng 9.2017 Chính phủ cũng đã có chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án đầu tư, xây dựng trên Sơn Trà.
Dự án KĐT quốc tế Đa Phước được rao bán, chuyển nhượng sôi động dù vẫn đang đổ đất lấn biển để lấy mặt bằng xây dựng. Ảnh: Thanh Hải |
Chặn sang nhượng đất ở Sơn Trà để tránh hậu quả cho dân
Thời điểm này, đông đảo người dân Đà Nẵng và giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu về quy hoạch, môi trường đã liên tục lên tiếng phản đối quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà của Chính phủ. Đa số ý kiến cho rằng nếu cho đầu tư, xây dựng du lịch trên bán đảo Sơn Trà như quy hoạch (cho xây dựng các công trình du lịch, dịch vụ lưu trú dưới cao độ 200m) sẽ xâm hại nghiêm trọng đến môi trường, băm nát Sơn Trà. Sự phản đối mạnh mẽ khiến Chính phủ đã phải tạm dừng quy hoạch này.
Nhiều dự án đã được chính quyền Đà Nẵng các thời kỳ trước cấp phép, giao đất… nhưng không được công khai rộng rãi cũng bị “tố”. Như Lao Động đã liên tục thông tin, trên bán đảo Sơn Trà có ít nhất 18 dự án du lịch quy mô lớn. Trong đó, chỉ có 2 dự án đã hoàn thành thủ tục về đất đai. 9 dự án khác đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, đã ký hợp đồng đầu tư, đã hoàn thành giải tỏa, nhưng chưa cấp hết “sổ đỏ”.
Ngoài ra, có đến 7 dự án lớn chưa thực hiện thủ tục về đất đai... Song các sản phẩm bất động sản trên Sơn Trà đã chuyển đổi, sang nhượng “ngầm” trên thị trường.
Đặc biệt, Dự án Khu dịch vụ du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa đã được UBND TP.Đà Nẵng cấp đất trực tiếp cho DN, mà nhà đầu tư (ở Đà Nẵng) không có dự án đầu tư, không thông qua đấu thầu dự án sử dụng đất hoặc đấu giá… Thậm chí việc cấp đất này không thông qua tham mưu của các sở, ngành có liên quan theo quy định pháp luật.
Dự án có quy mô 95,58ha, mục tiêu quy hoạch 228 biệt thự và dù được UBND TP giao đất từ năm 2007 đến nay, nhưng dự án không triển khai xây dựng. Thế nhưng, khi xuất hiện làn sóng phản đối quy hoạch du lịch trên Sơn Trà, thì tháng 3.2017, nhà đầu tư này đã chuyển quyền sử dụng đất theo hình thức góp vốn với một Cty phát triển bất động sản tại Hà Nội.
Lo ngại các nền móng biệt thự (trên giấy) này bị tung ra thị trường trước thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, ngày 24.11, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan trên toàn TP, tạm thời chưa giải quyết các thủ tục liên quan đến các giao dịch bất động sản như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, chuyển nhượng vốn…) đối với các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà... phục vụ Thanh tra và giảm thiểu rắc rối cho người dân khi giao dịch.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động