Chặn 'đất vàng' thành cao ốc

Cập nhật 29/11/2017 10:25

Cuối năm 2017 này Hà Nội sẽ di dời 8 sở, ngành gồm: Tài chính, Quy hoạch và kiến trúc, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội về khu liên cơ nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ).

Quỹ đất sau khi các trụ sở di dời sẽ được xem xét bán đấu giá. Nhiều chuyên gia cho rằng, bán đấu giá công khai minh bạch là chủ trương đúng đắn, nhưng phải làm thận trọng, tránh đất vàng biến thành cao ốc.


Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ nằm trong kế hoạch di dời ra đường Võ Chí Công  (Ảnh: tl).

Thận trọng khi bán đấu giá

UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ bán đấu giá trụ sở một số sở ngành để xây dựng khu liên cơ hành chính thứ 2 tại đường Lê Đại Hành.
Các trụ sở dự kiến có thể được bán đấu giá để thu về một khoản tiền không nhỏ từ những mảnh “đất vàng” này. Các sở, ngành dự kiến bán đấu giá gồm chính những sở, ngành thuộc diện di dời.

Bình luận về việc bán đấu giá các lô đất vàng này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhấn mạnh 2 vấn đề khi Hà Nội có thể cho bán đấu giá các khu đất được coi là “đất vàng” này.

Thứ nhất, về phương thức đấu giá phải giao cho một cơ quan độc lập làm một cách công khai, minh bạch theo giá thị trường. UBND TP Hà Nội chỉ giữ vai trò giám sát.

Theo đó, sẽ giám sát từ khâu mời thầu, bỏ thầu, trúng thầu để thu về khoản tiền cao nhất có thể từ đấu giá.

Thứ hai, dù có bán đấu giá hay không cơ quan trúng thầu sẽ phải tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt. Nếu theo quy hoạch khu đất đó không được xây chung cư, trung tâm thương mại mà chỉ định xây dựng thành trường học, bệnh viện thì nhà đầu tư phải tuyệt đối tuân thủ.
Cho rằng chủ trương đấu giá các trụ sở sẽ tạo cơ chế giải quyết những nút thắt trong di dời trụ sở các Bộ, ngành hiện nay nhưng TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, khi đấu giá trụ sở cũ phải nói rõ chức năng sử dụng thế nào, phải có cái chốt.

Vì bài học vừa qua một số cơ sở di dời ra khỏi nội đô chỗ đất ấy đã hoàn toàn biến thành chung cư cao tầng. Đấy là điều gây áp lực cho Hà Nội.

Hiện thành phố đã thống nhất chủ trương đấu giá các trụ sở rồi nhưng điều kiện đấu giá không chỉ đất không thôi, mà đấu giá phải kèm theo chức năng  sử dụng đất và định hướng không gian.

Về quỹ đất sau di dời ông Đào Ngọc Nghiêm đề xuất: “Quỹ đất đó nên dùng cho các công trình công cộng như trường học, diện tích xanh, diện tích giao thông.

Theo quy định, ít nhất mỗi người phải có 5m2 diện tích công cộng nhưng hiện nay, Hà Nội đã đạt được chưa? Rồi phải có 3% diện tích đất tự nhiên dành cho bãi đỗ xe thì Hà Nội mới chỉ có 0,3%.

Trong khi đó lại đi khai thác ngầm còn đất bên trên thì lại không sử dụng. Nếu như khai thác diện tích đó để làm các công trình công cộng và bên dưới là xây dựng các bãi đỗ xe ngầm nhiều tầng thì sẽ hợp lý hơn”.

Nguồn vốn ở đâu để xây trụ sở mới?

Để tránh cho được đất vàng thành cao ốc khiến giao thông nội đô không tìm ra lời giải cho bài toán ùn tắc KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị cần rà soát tổng thể quỹ đất cũ và mới của các bộ ngành.

Không thể để tình trạng bộ ngành đã di dời mà vẫn cứ ôm đất cũ như, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải Quan, Bộ Tài nguyên và  môi trường…
Tóm lại để khai thác giá trị “đất vàng” cần rà soát cơ chế chính sách hiện nay còn tồn tại những gì? Bao nhiêu khu đất vàng hàng mấy chục năm nay Hà Nội vẫn không làm được vì chủ trương khai thác chưa hợp lý.

Vậy phải chăng ở đây cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội, từ đó có thể tạo ra một thành phố có không gian xanh, diện tích công trình công cộng như mong muốn.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130 (ngày 23/1/2015).

Quyết định 130 nói rõ: Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Đặc biệt, Quyết định 130 cũng quy định trách nhiệm các cơ quan thực hiện phối hợp di dời trụ sở.

UBND TP Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời được cụ thể hóa trong quy hoạch được duyệt; Đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời...

Tuy nhiên, kết quả di dời các cơ sở ra khỏi nội đô theo Quyết định 130 được đánh giá là nhiều hạn chế. Vậy phải xem vướng ở đâu, mắc chỗ nào để tháo gỡ. Không loại trừ khả năng có sự chi phối của các nhóm lợi ích cũng cần phải làm rõ, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Không thể để xảy ra tình trạng đất vàng thành cao ốc, nhưng nếu không bán đấu giá trụ sở cũ thì sẽ lấy nguồn đâu để xây trụ sở mới, trả lời câu hỏi này ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, có thể áp dụng cơ chế đổi đất lấy hạ tầng tại các khu vực vùng ven hoặc khu vực không chịu áp lực về giao thông và hạ tầng.

Theo đó, UBND TP Hà Nội có thể kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu liên cơ hành chính và nhà đầu tư sẽ nhận lại một khu đất ở vùng ven tương xứng với số tiền bỏ ra, thay vì bán các khu đất vàng hiện tại.

Để giải quyết vấn đề xây trụ sở các bộ ngành, theo ông Đào Ngọc Nghiêm Hà Nội đã xin cơ chế đặc thù thay đổi lại Luật Thủ đô. Theo đó sẽ được chỉ định, điều chỉnh một số chức năng đất để đảm bảo đủ nguồn cho các bộ, ngành xây trụ sở mới.

Hà Nội cũng đã xin 6 cơ chế đặc thù để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc của TP.

Cụ thể cơ chế nào để giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan đến chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành, nội dung này sẽ được bàn thảo cụ thể tại cuộc hội thảo tổ chức vào đầu tháng 12 tới.

Về quỹ đất sau di dời, nên dùng cho các công trình công cộng như trường học, diện tích xanh, diện tích giao thông. Theo quy định, ít nhất mỗi người phải có 5m2 diện tích công cộng nhưng hiện nay, Hà Nội đã đạt được chưa? Rồi phải có 3% diện tích đất tự nhiên dành cho bãi đỗ xe thì Hà Nội mới chỉ có 0,3%.

Trong khi đó lại đi khai thác ngầm còn đất bên trên thì lại không sử dụng. Nếu như khai thác diện tích đó để làm các công trình công cộng và bên dưới là xây dựng các bãi đỗ xe ngầm nhiều tầng thì sẽ hợp lý hơn. KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất.



DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết