Chậm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng, băn khoăn chế tài thực thi

Cập nhật 19/11/2014 15:17

 Từ ngày 25/12/2014, theo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ 1 năm cho từ hơn 100 hộ gia đình sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng, thậm chí là 2 tỷ đồng.

Nhiều chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở “chây ỳ” làm sổ đỏ cho cư dân - Ảnh: Trọng Tuyến

Cả nước đã cấp được 41,6 triệu sổ đỏ

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 5/2014, cả nước đã cấp được 41,6 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), với tổng diện tích 22,9 triệu héc-ta, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp giấy chứng nhận.

Cụ thể, về đất ở đô thị, đã cấp được 5,34 triệu sổ đỏ, với diện tích 0,13 triệu héc-ta, đạt 96,7%; trong đó có 48 tỉnh đạt trên 85%, 15 tỉnh đạt dưới 85%, riêng tỉnh Bình Định đạt thấp, dưới 70%.

Về đất ở nông thôn, đã cấp được 12,92 triệu sổ đỏ, với diện tích 0,52 triệu héc-ta, đạt 94,4%; trong đó có 51 tỉnh đạt trên 85%, 12 tỉnh đạt dưới 85%, tỉnh Ninh Thuận đạt thấp, dưới 70%.

Đối với đất chuyên dùng, đã cấp được 0,27 triệu sổ đỏ, với diện tích 0,61 triệu héc-ta, đạt 84,8%; trong đó có 34 tỉnh đạt trên 85%; 29 tỉnh đạt dưới 85%, có 6 tỉnh đạt dưới 70% là Lạng Sơn, Hà Nội, Bình Định, Kon Tum, TP. HCM và Kiên Giang.

Đất sản xuất nông nghiệp, đã cấp được 20,18 triệu sổ, với diện tích 8,84 triệu héc-ta, đạt 90,1%; trong đó có 52 tỉnh đạt trên 85%; 11 tỉnh đạt dưới 85%.

Đất lâm nghiệp, đã cấp được 1,97 triệu sổ, với diện tích 12,27 triệu héc-ta, đạt 98,1%; trong đó có 44 tỉnh đạt trên 85%; 12 tỉnh đạt dưới 85%.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ này, cả nước hiện có khoảng 0,6 triệu sổ đỏ đã ký, nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận. Đây là một trong nhiều hạn chế trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, một trong những nguyên nhân là không có giấy tờ hợp lệ, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai từ nhiều năm qua chưa được giải quyết. Riêng với đất ở, tại TP. HCM và Hà Nội có đến trên 0,13 triệu trường hợp vi phạm, chủ yếu dưới các hình thức chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công…

Phạt chậm sổ đỏ, có khả thi?

Ông Quang cho biết, trong 2 năm 2014 và 2015 sẽ ưu tiên tập trung các nguồn lực để thực hiện và hoàn thành cơ bản việc cấp sổ đỏ ở những nơi đã có bản đồ địa chính, đồng thời, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho mỗi tỉnh ít nhất 1 đơn vị cấp huyện để thử nghiệm tích hợp vào hệ thống thông tin đất đai quốc gia, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và triển khai diện rộng trong những năm tới. Bộ cũng tập trung ưu tiên đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cho mục đích quốc phòng, an ninh, cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào di dân tự do.

Ông Quang nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ trong thời gian tới, cũng như nhằm chấn chỉnh những hoạt động của các cơ quan chức năng liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho người dân, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng chậm trễ trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Theo đó, đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở, mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Chậm làm thủ tục từ 3 - 6 tháng bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân; phạt tiền từ trên 30 - 50 triệu đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân; đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt tiền từ trên 50 - 100 triệu đồng.

Chậm làm thủ tục từ trên 6 - 9 tháng bị phạt tiền từ trên 30 - 50 triệu đồng đối với trường hợp làm chậm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân; phạt tiền từ trên 50 - 100 triệu đồng đối với trường hợp làm chậm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân; đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt tiền từ trên 100 - 300 triệu đồng.

Chậm làm thủ tục từ trên 9 - 12 tháng, đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ trên 50 - 100 triệu đồng; phạt tiền từ trên 100 - 300 triệu đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân; đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt tiền từ trên 300 - 500 triệu đồng.

Chậm làm thủ tục từ trên 12 tháng trở lên sẽ phạt tiền từ trên 100 - 300 triệu đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân; đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng; phạt tiền từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên.

Nghị định cũng nêu rõ, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Tức có thể lên tới 2 tỷ đồng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về quy định này, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, quy định là như vậy, nhưng việc thực hiện được không phải dễ.

“Từ trước đến nay cũng không thiếu quy định để xử lý việc này, nhưng không làm được”, ông Liêm nói và khiến nghị, muốn đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ cho dân, cần cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính trong lĩnh vực đất đai các cấp theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và đặc biệt là phải tăng cường hoạt động giám sát.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản