Chậm giao nhà, dân yêu cầu phá sản doanh nghiệp

Cập nhật 06/03/2017 09:22

Thay vì mòn mỏi chờ đợi, người dân đã dùng quyền yêu cầu phá sản doanh nghiệp (DN) bất động sản nợ tiền, chây ì giao nhà.  
Chậm giao nhà, dân yêu cầu phá sản doanh nghiệp


Tòa nhà Petro VietNam Landmark trên đường Mai Chí Thọ, Q.2, TP.HCM (ảnh chụp chiều 4-3) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TAND TP.HCM vừa ban hành quyết định về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp dầu khí VN (PVC Land) - chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark.

“Mạnh tay” để đòi tiền

Bà Trần Thị Châu Giang (Q.3, TP.HCM) - người trực tiếp nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với PVC Land - cho biết đã chờ đợi mòn mỏi, nhiều lần “đòi” tiền không được nên mới yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản.

Bà Giang mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark từ năm 2010 với giá hơn 2 tỉ đồng và đã đóng gần 2 tỉ. Quá hạn hai năm chủ đầu tư không bàn giao nhà, bà Giang khởi kiện.

TAND TP.HCM tuyên bà thắng, buộc chủ đầu tư hoàn trả số tiền bà đóng. Tuy nhiên, công ty trả lời thẳng “còn tiền đâu mà trả”.

Thời điểm đó trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Đình Thành - giám đốc PVC Land - cũng cho biết công ty không còn tiền trả. Nếu bà Giang đồng ý thỏa thuận chỉ lấy tiền gốc không tính lãi, hằng tháng công ty sẽ trích một khoản trả dần.


Dự án chung cư PetroVietnam Landmark tại Q.2, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN

Tới nay PVC Land mới trả cho bà Giang 300 triệu đồng. Hết cách, bà Giang mới làm đơn yêu cầu tòa án ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVC Land.

“Nếu công ty phá sản sẽ ảnh hưởng đến nhiều khách hàng, nhưng gần bảy năm nay đã quá khổ, cùng đường nên tui mới chọn giải pháp này” - bà Giang nói.

Trong số hơn 400 khách hàng mua căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark có những khách hàng mua lại từ một công ty khác.

Câu chuyện đòi tiền chủ đầu tư của những khách hàng này còn bi đát hơn. Bà B.A.K. (Q.2) mua căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark.

Sáu năm nay, gia đình bà K. vẫn phải đi ở trọ, mỏi mòn chờ nhận nhà. Bà K. cho biết để mua nhà, bà phải vay ngân hàng 2 tỉ đồng.

Nhà không nhận được, nhưng hằng tháng bà vừa phải đóng tiền thuê trọ vừa phải trả tiền ngân hàng. Giờ nghe PVC Land có thể bị phá sản, bà thêm hoang mang, không biết có mất tiền hay không...

DN bị áp lực phải trả tiền

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Đình Thành cho biết công ty đã nhận được quyết định của tòa án và đang làm việc với tòa, không để công ty phá sản.

Dự án PetroVietnam Landmark có tất cả 420 căn hộ đã bán hết cho khách hàng. Hiện dự án đã hoàn thiện phần thô và bàn giao cho khoảng 50 khách tiến hành sửa chữa. Dự kiến đầu năm 2018 cho khách vào ở.

Ông Thành cho hay do công ty đang làm thủ tục giám đốc thẩm, kháng án yêu cầu chỉ trả số tiền bà Giang đã đóng cho chủ đầu tư, không trả tiền lãi nên chưa thanh toán hết số tiền cho bà Giang. Công ty không mất khả năng thanh toán.

“Chúng tôi sẽ thuê luật sư làm việc với tòa án, chứng minh khả năng trả nợ của công ty. Chủ trương là làm sao vẫn tồn tại để cố gắng giải quyết giao nhà cho khách hàng đã mua nhà” - ông Thành nói.

Còn nhiều dự án ngưng trệ

Không chỉ dự án PetroVietnam Landmark, tại TP.HCM còn nhiều dự án ngưng trệ, khiến không ít người mua nhà phải điêu đứng.

Như dự án Cao ốc Xanh (Q.9) của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 8 (CIC8) khởi công từ năm 2008 gồm ba block A, B, C.

Đến nay chỉ có block C được bàn giao, hai block 19 tầng còn lại ngưng thi công nhiều năm nay.

Giữa năm 2016, chủ đầu tư tái khởi công, nhưng vừa cất nóc lại tiếp tục “trùm mền”. Chị Nguyễn Nữ Thanh Thảo đã bán nhà và vay 400 triệu đồng để mua căn hộ tại dự án Cao ốc Xanh.

Theo hợp đồng, chủ đầu tư sẽ giao nhà vào tháng 9-2011. Cả nhà năm người ra thuê căn trọ nhỏ, “mơ” ngày nhận căn hộ rộng rãi, thoáng mát.

Nghe thông tin khách hàng dự án PetroVietnam Landmark nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản, chị Thảo cho biết chị và nhóm khách hàng mua nhà dự án Cao ốc Xanh cũng đang tìm hiểu thủ tục pháp lý để “mạnh tay”, buộc chủ đầu tư sớm giao nhà.

“Sáu, bảy năm nghe chủ đầu tư hứa tôi mệt mỏi lắm rồi. Giờ có giải pháp gì để chủ đầu tư nhanh chóng giao nhà hay trả tiền chúng tôi đều làm” - chị Thảo nói.

Trong khi đó năm 2012, anh Trần Thanh Tâm (Q.Bình Thạnh) ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án Happy Plaza (H.Bình Chánh) do DN Thanh Tùng làm chủ đầu tư. Lúc đó dự án đã xây phần khung đến tầng 4.

Thời điểm mua, chủ đầu tư dự kiến quý 4-2013 giao nhà và đưa ra chính sách nếu người mua đóng vượt tiến độ sẽ hưởng chiết khấu cao, nên anh đóng 90% giá trị căn hộ.

“Mỗi lần điện lên hỏi thì chủ đầu tư hứa sẽ khởi công giao nhà sớm, nhưng bốn năm rồi chưa xây nổi thêm tầng nào” - anh Tâm nói.

Giải pháp cần thiết

Việc khách hàng nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư dù còn hiếm, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là giải pháp cần thiết với các chủ đầu tư chây ì.

Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng việc mở thủ tục phá sản như với PVC Land có lợi cho các chủ nợ, tránh việc DN âm thầm tẩu tán hết tài sản. Với DN “yếu”, việc xử lý sớm may ra còn thu lại phần nào. Càng để DN tồn tại, lãi suất cộng dồn mỗi ngày, chủ nợ ngày càng thua thiệt.

Luật sư Trần Thái Bình (đoàn luật sư TP.HCM) cũng đồng tình nên tính đến đề nghị cho DN phá sản nếu chây ì kéo dài.

Tuy nhiên, ông Bình nêu ngay cả khi còn tài sản thì thứ tự thanh toán sẽ ưu tiên như sau: chi phí cho thủ tục phá sản, lương của người lao động...

Đặc biệt, nếu như tại dự án PetroVietnam Landmark chủ đầu tư đã bàn giao 10 căn hộ thì khi kê biên tòa nhà phải chừa 10 căn hộ đó ra.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết sau khi mở thủ tục phá sản, DN vẫn hoạt động bình thường dưới sự giám sát của quản tài viên.

Sở KH-ĐT sẽ công bố thông tin trên cổng thông tin đăng ký DN quốc gia nếu có yêu cầu của tòa án.

Nhưng với vụ việc mở thủ tục tuyên bố phá sản của PVC Land, hiện Sở KH-ĐT TP.HCM chưa nhận được yêu cầu đăng thông tin của TAND TP.HCM.

Luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM):

Minh bạch để giảm rủi ro cho dân


Để tránh “mắc kẹt” với những dự án chây ì, người mua cần tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án.

Đặc biệt, nên xem dự án đó có thế chấp ngân hàng, có được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng hay không.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần công bố công khai trên các trang web đầy đủ các dự án thế chấp ngân hàng, dự án được ngân hàng bảo lãnh... để người dân tra cứu, tìm hiểu.

Ngoài ra, các cơ quan thi hành án nên công khai thông tin quyết định kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với các dự án dạng này để người dân biết, tránh được rủi ro khi mua nhà.

Cơ hội nào cho PVC Land?

Theo Luật phá sản DN 2014, khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, tòa án đồng thời kê biên luôn tài sản của DN để tránh tẩu tán tài sản.

Lúc này, DN còn một “đường sống” là hội nghị các chủ nợ quyết định cho DN thời gian để cơ cấu lại hoạt động, cải thiện tình hình dưới sự giám sát của quản tài viên và thẩm phán.

Nếu trong thời gian này DN phục hồi khả năng thanh toán, trên cơ sở ý kiến của hội nghị các chủ nợ, thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phá sản.

Còn hội nghị các chủ nợ không đồng ý cho DN thời gian khắc phục, tòa sẽ cùng với quản tài viên thanh lý tài sản của DN để trả nợ.



DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ