Chậm giao đất dịch vụ: Vì sao?

Cập nhật 07/09/2014 10:21

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tổng quỹ đất dịch vụ cần để giao cho các hộ dân là 842,66ha. Tuy nhiên, đến nay mới có 314ha hoàn thiện xong hạ tầng, 51,5ha đang giải phóng mặt bằng (GPMB), kể cả hơn 86ha đã giao cho các hộ dân, vẫn còn thiếu hơn 390ha.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, tính đến hết quý II năm 2014, mới có tổng cộng hơn 18.000 hộ dân được giao đất dịch vụ, chỉ chiếm 22,9% số hộ có nhu cầu, trong đó số được giao từ đầu năm 2014 đến nay là 2.507 hộ. Tình trạng chậm trễ trong giao đất dịch vụ đã gây bức xúc tại nhiều nơi, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách chung theo quy định của Nhà nước.

Nguyên nhân chính được cho là nhiều vị trí khu đất dịch vụ phải dừng để thực hiện rà soát, điều chỉnh để phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu đô thị đang được lập. Đơn cử như huyện Hoài Đức có 16 dự án "đợi" quy hoạch phân khu đô thị hoặc chồng lấn với các dự án như: trục Hồ Tây - Ba Vì, tuyến đường liên khu vực... vì vậy 35,4ha đất dịch vụ mặc dù đã GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng không thể giao được cho các hộ gia đình. Ngoài ra, hầu hết quận, huyện, thị xã đều khó khăn về nguồn kinh phí GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ. Ước tính của Sở Tài nguyên - Môi trường, số kinh phí dự kiến để GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 51,5ha đang GPMB và hơn 390ha còn thiếu lên tới 13.290 tỷ đồng.

Cùng với đó, hệ thống chính sách về giao đất dịch vụ thiếu sự thống nhất, có nơi áp dụng chính sách cũ trước khi hợp nhất. Thậm chí, hai nghị định của Chính phủ là Nghị định 17/2006/CP và 84/2006/CP quy định về giao đất dịch vụ, trên thực tế triển khai đã gặp nhiều khó khăn ngay từ khâu bố trí quỹ đất, nguồn vốn, cho đến xét duyệt và giao đất. Về nguyên nhân chủ quan, có tình trạng chính quyền địa phương thiếu chủ động, quyết liệt; có quỹ đất nhưng không tổ chức giao cho hộ dân, điển hình như Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ...

Tình trạng "đóng băng" thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng, giao đất dịch vụ. Mặc dù thành phố có chính sách "thoáng", cho sử dụng tiền từ đấu giá đất để GPMB xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ, song thực tế việc đấu giá đất cũng rất chậm. Bất động sản không còn hấp dẫn, nhiều khu đất đấu giá không có người tham gia, thậm chí khi mức giá đã được hạ xuống...

Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, UBND TP Hà Nội cho rằng, trước hết cần tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách thành phố thực hiện GPMB xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Song, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn ngân sách, thống nhất cho phép UBND các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất hướng xã hội hóa, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, có thể ứng trước kinh phí xây dựng. Kinh phí này được hoàn trả chủ đầu tư sau khi giao đất và thu tiền của các hộ gia đình, cá nhân. Thành phố có thể hỗ trợ lãi suất bằng tiền vay ngân hàng thương mại. Ngoài ra, có thể xem xét trả bằng tiền thay cho giao đất dịch vụ.

Ngoài việc thành lập các đoàn công tác liên ngành hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, UBND thành phố đã vận dụng các chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình. Trường hợp khu đất dịch vụ phù hợp quy hoạch đất ở thì xem xét chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang đất ở. Ủy quyền cho quận, huyện phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà không phân biệt quy mô sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ. Ưu tiên sử dụng quỹ đất phải bàn giao cho thành phố từ các dự án sử dụng làm đất dịch vụ giao cho các hộ dân hoặc cho phép sử dụng quỹ đất đấu giá sang làm đất dịch vụ.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới