Chậm chuyển đổi sang nhà ở xã hội, lỗi tại ai?

Cập nhật 31/08/2014 08:20

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP, nới rộng đối tượng được vay vốn và thời gian vay vốn ưu đãi, nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, còn gốc rễ vẫn là sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội.


Vẫn thiếu nguồn cung

Tại Nghị quyết 61, Chính phủ cho phép cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Nghị quyết cũng sửa đổi thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân tối đa là 15 năm (quy định cũ 10 năm) khi vay vốn để mua, thuê mua nhà ở thương mại tại các dự án trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mở rộng thêm cho các đối tượng được vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình; đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán. Nghị quyết cũng bổ sung một số NHTM cổ phần do NHNN chỉ định được tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở…

Trước đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 02, Bộ Xây dựng đã phối hợp và chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương đẩy mạnh gói tín dụng ưu đãi này. Những vướng mắc như thủ tục chứng thực của địa phương về người có đủ điều kiện mua nhà xã hội hay như thủ tục về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để vay vốn đã được tháo gỡ bằng các thông tư hay văn bản hướng dẫn thực hiện. Nguồn cung cho gói hỗ trợ này cũng được quy định để tháo gỡ bằng việc cho phép chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, hoặc chẻ nhỏ căn hộ diện tích dưới 70 m2 để phù hợp.

Sau hơn một năm triển khai gói vốn 30.000 tỷ đồng, theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến thời điểm 31/5/2014, tổng số vốn cam kết cho vay từ gói vốn này mới đạt 3.954,4 tỷ đồng, đạt 13,2% tổng nguồn vốn. Nguyên nhân từng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ là do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp thờ ơ với nhà ở xã hội?

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, thống kê của Bộ Xây dựng cập nhật đến ngày 25/6/2013 cho thấy, cả nước có 48 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội, trong đó Hà Nội chiếm tới 21 dự án. Theo thông tin mà ĐTCK có được, đến thời điểm này, mới chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội chính thức được cho phép chuyển đổi. Tại TP. HCM, tình hình chuyển đổi dự án cũng diễn ra rất chậm.

Nhận định về nguyên nhân chậm trễ trong việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác điều chỉnh và chuyển đổi dự án nhà ở theo tinh thần Nghị quyết số 02/CP.

“Số lượng các dự án đã đăng ký xin chuyển đổi hoặc điều chỉnh căn hộ nhưng đến nay chưa có quyết định chuyển đổi, điều chỉnh của UNND cấp tỉnh vẫn còn tương đối nhiều, đặc biệt là tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM...”, ông Nam nói và nhận định, nếu các địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương cho phép dự án chuyển đổi cơ cấu căn hộ thì đã tạo ra được thanh khoản cao đối với phân khúc nhà trung bình, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên ĐTCK, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, qua tiếp nhận và xem xét hồ sơ cho thấy, các dự án trên còn thiếu nhiều hồ sơ liên quan đến việc chuyển đổi.

Việc nhiều chủ đầu tư “lừng khừng” với việc chuyển đổi dự án, theo một chuyên gia trong ngành, còn xuất phát từ việc, thanh khoản nhà thương mại đang tốt lên. Việc chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội dù được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng cũng lại bị ràng buộc điều kiện là DN chỉ được hưởng lợi nhuận không quá 10% và thời gian qua đã có  hiện tượng giá bán nhà ở xã hội được các chủ đầu tư “đẩy” lên cao hơn một số dự án nhà ở thương mại để được hưởng mức lợi nhuận cao hơn.

Tại Nghị quyết 61, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát các dự án bất động sản để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội… Tuy nhiên, việc giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng sẽ còn ì ạch, chừng nào các DN kém mặn mà với việc phát triển nhà ở xã hội. 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản