Hầu hết chủ các dự án nhà thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa thực hiện chốt giá chính thức, hoàn thiện hồ sơ để người mua nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ đỏ).
Rất ít dự án được cấp sổ đỏ
Gia đình chị Nguyễn Thị Thái mua căn nhà diện tích 52,9 m2 tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) với giá gần 700 triệu đồng vào năm 2013. Do chưa có sổ đỏ nên chị không thể thế chấp căn hộ, vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn để trả nợ. Chị Thái cho biết: “Khi bàn giao nhà đã nhận được biên bản bàn giao nhà của chủ đầu tư, tuy nhiên trong đó chỉ có mức giá tạm tính, chưa có giá quyết toán cuối cùng. Khi một số hộ dân nộp hồ sơ trực tiếp lên Sở Tài nguyên Môi trường nhận được câu trả lời là chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục giấy tờ nên dự án chưa được cấp sổ đỏ”.
Nhà ở xã hội CT1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông. Ảnh: Hoàng Dương
|
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có 66 dự án phát triển nhà ở xã hội đã và đang triển khai, trong đó có 44 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Riêng đối với nhà ở dành cho người thu nhập thấp, cho đến nay có 9 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với quy mô hơn 4.000 căn hộ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, số dự án người dân mua nhà thu nhập thấp được cấp sổ đỏ là rất ít. |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài việc “chây ỳ” từ phía các chủ đầu tư thì còn có một phần trách nhiệm của các đơn vị quản lý khi còn buông lỏng vấn đề này. Khu nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá 1 (Gia Lâm) là dự án đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này nộp hồ sơ quyết toán lên Sở Xây dựng từ tháng 4/2014 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đại diện Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera, chủ đầu tư dự án cho biết, việc chậm trễ lại liên quan đến sự thay đổi chính sách của thành phố.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Phòng Quản lý kinh tế, Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, sự chậm trễ một phần do thay đổi cơ chế quản lý đối với nhà thu nhập thấp. Đồng thời, do chưa có quy định cụ thể về thời hạn, chế tài xử lý các chủ đầu tư chậm trễ làm quyết toán nên các chủ đầu tư còn “thờ ơ”. “Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc cấp GCN cho các hộ dân, bởi theo nguyên tắc, chưa quyết toán được thì chưa thể làm sổ đỏ”, ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Dũng, thành phố đã đồng ý là giá quyết toán cuối cùng không được vượt mức giá “tạm tính” ban đầu của các chủ đầu tư. Nếu giá “tạm tính” trước đây cao hơn giá chính thức, chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả lại tiền thừa cho các hộ dân.
Trước những vướng mắc trên, ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký thống kê, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở đang nghiên cứu hướng giải quyết để đề xuất UBND thành phố xem xét. “Chúng tôi đang nghiên cứu là ban hành quy định về thời hạn cụ thể chủ đầu tư phải quyết toán giá. Sau ngày, giờ đó mà chủ đầu tư không quyết toán được thì sẽ có chế tài với chủ đầu tư và xem xét cấp sổ đỏ cho người mua nhà., ông Lê Thanh Nam khẳng định.