CEO Đất Lành: Thị trường BĐS khó khăn, không thể bắt DN giảm giá

Cập nhật 17/02/2014 09:02

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM không thể lúc thị trường BĐS khó khăn, lại tiếp tục bắt doanh nghiệp BĐS giảm giá.

Mới đây, nhận định về thị trường BĐS Việt Nam, TS Alan Phan cho rằng lý do duy nhất khiến bất động sản (BĐS) trì trệ là vì giá bán không phù hợp túi tiền người mua. Giá nhà đất hiện quá cao so với thu nhập trung bình của người dân.

Theo Alan Phan, hiện giá nhà đất đang cao gấp 25 lần. Trong khi đó, ở các nước khác, mức tối đa về giá chỉ cao gấp khoảng 7-8 lần thu nhập trung bình. Vì giá BĐS ở Việt Nam không phù hợp nên người dân không thể mua được chứ không phải dân thiếu tiền hay không có nhu cầu.

Giá BĐS không phải là liều thuốc đặc trị giúp thị trường BĐS ấm lên

“Tức là khi giá còn quá cao, dân không thể mua được, thị trường vẫn tiếp tục trì trệ thôi. Khi nào giá chưa thay đổi, thị trường chưa thể “tan băng” được. Vì thị trường tùy thuộc vào rất nhiều quy luật, nhưng quy luật chính là hài hòa về giá. Trong khi đó, tại Việt Nam, quy luật này lại đang không được áp dụng. Hay chúng ta đang làm sai quy luật về thị trường”, TS Alan Phan nói.

Trong khi đó, theo con số của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập của công nhân, cán bộ công nhân viên chức ở mức thấp, trung bình đạt 3,6-4,5 triệu đồng mỗi tháng, trong đó tích lũy nhà ở chỉ chiếm khoảng 11% mức thu nhập. Thực tế, giá nhà trung bình ở Việt Nam cao hơn 25 lần so với thu nhập của người lao động, trong khi con số này ở châu Âu chỉ khoảng 7 lần, Thái Lan là 6,3 và Singapore chỉ 5,2 lần.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, hầu hết các dự án đã giảm từ 10%-30%, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006, do đó có lợi cho người mua.

Mặc dù vậy, nếu nhìn vào thị trường BĐS hiện nay sự lạc quan hay những tín hiệu đáng mừng mới dừng lại ở những cảm nhận, đánh giá của những người làm chính sách còn thực tế thị trường vẫn chưa cho thấy chuyển biến tích cực.

Vậy “liều thuốc” giảm giá có thực sự kích cầu thị trường BĐS lúc này? Và liệu rằng doanh nghiệp BĐS cần phải giảm giá xuống bao nhiêu thì thị trường mới ấm lên được?

Trao đổi vấn đề này với PV, ông Nguyễn Văn Đực Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, Phó TGĐ Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng phải đến khi thị trường khủng hoảng các cơ quan quản lý mới thấy "bong bóng giá" lâu này. Và khi đó điều chính quyền và người dân mong muốn là doanh nghiệp giảm giá.

“Trên thực tế doanh nghiệp cũng đã giảm giá nhiều lần, nếu ai làm ngành xây dựng và đã từng đầu tư BĐS thì đều biết với giá 11, 12, 13 triệu đồng/m2 như hiện nay so với chi phí doanh nghiệp đầu tư thì doanh nghiệp đã chịu lỗ rồi”, ông Đực cho biết.

Hiện nay doanh nghiệp BĐS không thể nào giảm giá hơn nữa ngoại trừ trường hợp: Thứ nhất doanh nghiệp có nhiều sản phẩm không bán được phải tháo kho cũng như chợ hoa chiều 30 bán để lấy tiền về.

Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp bán lúa non để lấy tiền làm tiếp.

Thứ ba là trường hợp doanh nghiệp mua lại những “ xác chết” tức là những dự án bị bỏ dở, với có giá bản rẻ hơn.

“Đây đều là những trường hợp ngặt nghèo, doanh nghiệp ở thế đường cùng. Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào trường hợp những doanh nghiệp như vậy để nói rằng doanh nghiệp BĐS phải tiếp tục giảm giá là không hợp lý. Đồng thời chúng ta cũng không trông chờ vào việc giảm giá bằng cách đó, vì sẽ làm thị trường xấu đi. Nếu mà giảm giá bằng 2 cách đó thì đó là cuộc giảm giá không bền vững chỉ là trong giai đoạn tức thời còn về lâu dài doanh nghiệp không tồn tại được”,ông Đực phân tích.

Trong khi đó ở vế ngược lại, theo ông Đực điều doanh nghiệp BĐS mong muốn chính quyền thì lại không làm được. Cụ thể đó là vấn đề thủ tục kéo dài, đây là yếu tố khiến BĐS tăng giá, trong khi đây là vấn đề hoàn toàn nằm trong khả năng của chính quyền các cấp.

“Ví dụ như việc cho phép doanh nghiệp chuyển căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ, như TP HCM thử hỏi đến bây giờ có bao nhiêu căn hộ được chuyển từ căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ, số căn hộ được chuyển thành công là bao nhiêu? Riêng với Đất Lành hiện mới chuyển được 21 căn, con số đó quá nhỏ với 1 doanh nghiệp và càng nhỏ hơn với cả thị trường BĐS tại TP HCM”, ông Đực nêu ví dụ.

“Doanh nghiệp BĐS mong chờ chính quyền tháo gỡ khó khăn, điều đó sẽ khiến BĐS giảm đi 2 - 3 triệu là chuyện bình thường. Cái đó hoàn toàn Bộ Xây dựng, chính quyền các cấp có thể làm được. Tại sao không làm đi?”, ông Đực tiếp tục nêu bất cập.

Từ đó theo ông Đực không thể đến khi thị trường khó khăn lại yêu cầu doanh nghiệp phải giảm giá. Điều cốt lõi là phải có chính sách phù hợp với vận động của thị trường để có thể đem lại thị trường bền vững trong đó người dân và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi.


DiaOcOnline.vn - Theo Giáo Dục