CenGroup "ép" khách bán rẻ hợp đồng góp vốn?

Cập nhật 09/11/2013 09:17

"Khi chúng tôi đang đứng ở ngoài, và đòi để ra gặp giải quyết thì có một người đến nói là muốn mua lại hợp đồng đấy (hợp đồng góp vốn của khách hàng đã ký với chủ đầu tư trước đó - PV) với giá trị là 80% và mời vào quán cà phê để giải quyết", ông Hiếu kể lại.

Vay 10 đồng… trả 8 đồng

Cụ thể, khách hàng nộp tiền mua nhà cho Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ (gọi tắc Công ty BĐS Thế Kỷ) được cho là thuộc tập đoàn CenGroup từ ba năm trước để mua căn hộ tại một dự án tại Đại Mỗ (Hà Nội) nhưng cho đến nay dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống. Sự việc trở nên căng thẳng khi Công ty BĐS Thế Kỷ đã không chịu trả lại tiền huy động của khách hàng.

Ông Trần Đức Hiếu, người mua nhà tại dự án của Công ty BĐS Thế Kỷ cho biết khi quyết tâm thanh lý hợp đồng chủ đầu tư có hứa trả 20 triệu đồng/tháng, với riêng ông Hiếu chủ đầu tư hứa sẽ trả dần trong 18 tháng.

Khách hàng tập trung đòi tiền Công ty BĐS Thế Kỷ.
Tuy nhiên từ hơn một năm nay chủ đầu tư trả tiền cho những khách hàng như ông Hiếu một cách bập bõm có tháng trả 20 triệu, có tháng trả 5 triệu, thậm chí có tháng không trả tiền cho khách hàng.

Trong quá trình đầu tranh đòi lại nguồn tiền đã góp vốn, bất ngờ một lãnh đạo của Tập đoàn CenGroup xuất hiện hứa sẽ sẽ giúp khách hàng lấy lại tiền tuy nhiên phải ăn chia thỏa thuận

"Khi chúng tôi đang đứng ở ngoài, và đòi để ra gặp giải quyết thì có một người đến nói là muốn mua lại hợp đồng đấy (hợp đồng góp vốn của khách hàng đã ký với chủ đầu tư trước đó - PV) với giá trị là 80% và mời vào quán cà phê để giải quyết", ông Hiếu kể lại.

“Đầu tiên chúng tôi không nghi ngờ gì cho đến vài hôm sau khi được một nhân viên của CenGroup hẹn đến làm việc để thỏa thuận về tiến độ thanh toán tiếp theo thì chúng tôi mới biết người đứng ra thương thảo với tôi là nhân viên của CenGroup và có giới thiệu là phó giám đốc của CenGroup tên là Trần Thị Thảo", chị Nguyễn Thị Thao - một khách hàng góp vốn tại dự án này tiếp tục cho biết.

Ngay khi thấy phóng viên ghi hình, vị phó giám đốc của CenGroup đã xuất hiện và yêu cầu khách hàng giải tán ra quán cà phê nói chuyện.

Sự việc này sau đó đã được đưa ra trong cuộc họp giữa khách hàng với CenGroup nhưng bị lờ đi. Bàn luận về câu chuyện trên ông Phạm Hữu Cường - đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam thừa nhận kiểu mua nợ giống như trên là có, mua lại nợ kiểu này không khác gì là kiểu đi vay 10 đồng nhưng ép người cho vay muốn lấy lại tiền thì phải chấp nhận lấy 7 đến 8 đồng thậm chí là không được trả lãi.

Ông Cường cũng cho rằng tất cả là do khó khăn về tài chính một số doanh nghiệp đã dùng kiểu bài không được đàng hoàng trên để thoát khó khăn nhưng nếu doanh nghiệp vẫn khỏe về tài chính lại cố tình tạo ra kịch bản khó khăn để khiến khách hàng lo sợ mất tiền phải chấp nhận bán lại nợ với giá rẻ thì cần phải xem lại đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

"Tự khách hàng sẽ phải đánh giá lại về cách chơi, vị trí chơi của chủ đầu tư. Trước đây tôi đã tin tưởng anh, đã đóng tiền cho anh mà bây giờ cái tiền mà anh thu gom của chúng tôi mà chưa xây dựng dự án nhưng bây giờ anh dùng một phần số tiền ấy để quay lại mua rẻ lại thì cuộc chơi này là cuộc chơi không đẹp".

Quá mệt mỏi chờ đợi nhà đầu tư, nhiều người mua nhà đã chấp nhận chỉ thu về 80% số tiền đã góp vốn chấp nhận thua thiệt 20%, nhưng rồi cũng chỉ được trả nhỏ gọt 5-10 triệu đồng/ tháng.

CenGroup nói không?

Trước sự việc có liên quan đến Tập đoàn CenGroup đặc biệt là việc một người tự xưng là Phó giám đốc Tập đoàn CenGroup tên Trần Thị Thảo đứng ra thương lượng mua lại giá trị các hợp đồng góp vốn của khách hàng theo tỷ lệ ăn chia. Chiều ngày 8/11 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Hưng – Phó TGĐ Tập đoàn CenGroup.

Liên quan đến Công ty BĐS Thế Kỷ, ông Hưng khẳng định giữa BĐS Thế Kỷ và CenGroup là hai đơn vị có pháp nhân khác nhau, “Công ty BĐS Thế Kỷ không thuộc tập đoàn CenGroup, chúng tôi ( tức CenGroup – PV) là hai đơn vị độc lập có tư cách pháp nhân riêng”.

Trong khi đó xác định danh tính người phụ nữ tên Trần Thị Thảo tự xưng là PGĐ Tập đoàn CenGroup đứng ra thương lượng mua lại hợp đồng góp vốn vào dự án của khách hàng ông Hưng khẳng định: “Đây không phải nhân viên thuộc tập đoàn CenGroup có thể là PGĐ bên Công ty BĐS Thế Kỷ”.

Đồng thời Phó TGĐ Tập đoàn CenGroup cũng cho biết trước đến nay CenGroup chưa bao giờ đứng ra giải quyết vấn đề của Công ty BĐS Thế Kỷ. Do vậy việc khách hàng phản ánh cho rằng có nhân viên của CenGroup đứng ra thu mua lại hợp đồng ăn chia với khách hàng bây giờ CenGroup với biết.

Cũng lên quan đến việc mua căn hộ tại các dự án BĐS bằng hình thức kiểu góp vốn như tại Công ty BĐS Thế Kỷ, trao đổi với phóng viên , TS Phạm Sỹ Liên nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng cách mua ban này hoàn toàn sai lầm và người mua sẽ phải chịu rất nhiều rủi ro. “Hình thức là anh góp vốn vào để cùng kinh doanh cùng thu lợi, đằng này hợp đồng góp vốn của người mua nhà tại các dự án BĐS không những không được lãi còn khó lấy được tiền lại”, TS Phạm Sỹ Liêm nhận định.


Theo TS Phạm Sỹ Liêm, cần phải có quy định yêu cầu chủ đầu tư nếu muốn kinh doanh BĐS, xây dựng các dự án nếu thiếu vốn phải vay của ngân hàng. Từ đó chủ đầu tư có ý thức trong kinh doanh. “Đáng nhẽ chủ đầu tư người kinh doanh BĐS phải tự xoay vốn bằng cách vay ngân hàng thực hiện dự án BĐS giống như nước ngoài. Khi đó chủ đầu tư  buộc phải tính toán kỹ vay ngân hàng phải trả lãi, xây dựng thời gian nào rất nhanh nhất kịp tiến độ. Như vậy không có chuyện dự án kéo dài hàng chục năm vì càng kéo dài doanh nghiệp càng lỗ”, TS Liêm nói.

So sánh với cách làm của doanh nghiệp BĐS nước ngoài, TS Liêm cho rằng các dự BĐS  nước ngoài trị giá mấy trăm triệu dollar nhưng vốn họ của doanh nghiệp không có nhiều khi đó doanh nghiệp sẽ tập trung làm dần từng phần. Song đâu sẽ luân chuyển sang phần khác như vậy không cần vay nhiều tiền của ngân hàng nhưng vẫn thực hiện được dự án và thanh khoản được.

“Đã vay ngân hàng nhà đầu tư phải cân nhắc, hiệu quả có khách mua không thời hạn phải làm nhanh việc, vay ngân hàng thúc đẩy kinh doanh, việc trả lãi ôm bao lâu cũng được. Ở nước ngoài kinh doanh phải giỏi, hiểu biết, chứ không như ở ta lấy được miếng đất vẽ hươu vẽ vượn, hoặc dừng không làm dự án nữa”, TS Liêm nói. 

DiaOcOnline.vn - Theo Giáo Dục