Hơn 60% cây xanh trong công viên Lê Văn Tám sẽ được di dời để thi công dự án bãi đậu xe ngầm. Ảnh: T.Thạnh |
Có khoảng 30 cây lớn phải đốn hạ và gần 700 cây khác phải di dời
Dự án bãi đậu xe ngầm do Công ty Cổ phần Đầu tư kỹ thuật Không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư chiếm 3 ha trong tổng số hơn 6 ha diện tích của công viên Lê Văn Tám (quận 1-TPHCM). Để thực hiện dự án, có khoảng 63% cây xanh trong công viên phải di dời hoặc đốn hạ. Tuy nhiên, đến nay, cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý vẫn chưa xác định được địa điểm để di dời trong khi dự án dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2010.
Chặt cây lớn, di dời cây nhỏ
Theo thống kê, công viên Lê Văn Tám hiện có 1.081 cây xanh, gồm 3 tầng chính: tầng cây gỗ lớn có tán lá rộng, tầng cây gỗ trung bình có tán lá nhỏ và tầng cây bụi, phù hợp với chức năng tập luyện thể dục và điều hòa khí hậu. Khi triển khai dự án bãi đậu xe ngầm, khu vực công trình ngầm và khu vực mở công trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cây xanh. Vì vậy, để phục vụ việc thi công dự án, sẽ có 28 cây xanh loại lớn bị chặt bỏ và 685 cây xanh bị di dời (chiếm 63,37% tổng số cây). Số cây phải di dời gồm có 362 cây gỗ và 113 bonsai, tất cả đều có chiều cao dưới 5 m. Riêng 28 cây bị chặt bỏ đều có đường kính trên 40 cm, gồm các loại cây nhạc ngựa, sao đen, me tây, lim xẹt, điệp phèo heo, dầu rái, muồng xiêm, sò đo cam và dừa.
Ông Nguyễn Hữu Huy, Chủ nhiệm dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, cho biết khi công trình hoàn thành, chủ đầu tư sẽ trồng lại đúng chủng loại cây đã di dời sau khi đã tổ chức thi tuyển cảnh quan kiến trúc hạng mục phục hồi cây xanh trong công viên. Nhiều ý kiến lo ngại lớp đất mặt công viên có độ dày từ 1,5 m – 2 m không đủ cho cây phát triển, cây có thể sẽ ngã đổ khi mưa to gió lớn.
Ông Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT IUS, khẳng định độ dày của đất mặt như thế là đạt yêu cầu. Kết quả khảo sát các rừng cây gỗ lớn ở Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh trên cây dầu nước (đường kính 40 – 60 cm, cao 25 – 40 m) và sao đen (đường kính 25 – 40 cm, cao 20 – 35 m) cho thấy rễ cây chỉ “ăn” đến độ sâu 60 cm. Theo ông Tuấn, bãi đậu xe ngầm ở các nước như Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan, có độ dày đất mặt cũng chỉ từ 1,37 m – 2 m. “Nếu đem cây to về trồng lại thì lớp đất dày từ 1,5 m – 2 m là không đạt yêu cầu nhưng trồng cây nhỏ và cây này tiếp tục lớn lên bằng hoặc hơn loại cây đã di dời thì bảo đảm vẫn ổn định”- ông Huy giải thích thêm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc di dời cây sẽ được một đơn vị nước ngoài có kinh nghiệm và đầy đủ phương tiện kỹ thuật đảm nhận.
Ai di dời, dời về đâu: Còn chờ
Cũng theo ông Tuấn, việc thống kê chủng loại cây, đo chiều cao, tính độ sâu của rễ những cây bị di dời đã được thực hiện từ trước. Tuy nhiên, về điểm đến của những cây xanh bị di dời, phía chủ đầu tư cho biết đang chờ Sở GTVT TPHCM quyết định. Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ chiều 16-10, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết hiện vẫn chưa nói được số cây xanh bị di dời khỏi công viên Lê Văn Tám sẽ được đưa về đâu vì phía chủ đầu tư vẫn chưa báo cáo chi tiết với sở. Bà Hiền Lương cũng không bác bỏ hay đồng tình khi chúng tôi đặt vấn đề có nhiều ý kiến cho rằng nên di dời số cây xanh trên về trồng ở công viên Safari huyện Củ Chi– một nơi đang “khát” cây xanh.
Phối cảnh bãi đậu xe ngầm trong công viên Lê Văn Tám sau khi đã xây dựng xong. Trong đó, bãi đậu xe ngầm nằm ở khu vực giữa công viên |
Còn ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TPHCM, cho rằng cũng chưa biết phía chủ đầu tư sẽ xử lý số cây xanh trong công viên Lê Văn Tám theo cách nào. Tuy nhiên, với lớp đất dày 1,5 m - 2 m trên nóc công trình ngầm thì chỉ có thể trồng được cây xanh loại nhỏ, cỏ, bonsai chứ không phát triển được các cây cổ thụ hoặc các loại cây có đường kính quá lớn.
Theo ông Hà, đến nay vẫn chưa biết Công ty Công viên cây xanh có tham gia vào việc di dời, trồng lại cây xanh hay không vì phía chủ đầu tư chưa ngỏ lời. “Xét về giá trị, các loại cây bị đốn hạ như nhạc ngựa, sao đen... không thuộc nhóm quá quý hiếm. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại với phương án trồng lại cây xanh mới hoàn toàn trên phần đất có cây bị di dời thì phải mất 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa, mức độ che phủ của cây xanh ở công viên này mới được như hiện hữu”- ông Hà nói.
Về vườn ươm?
Có ý kiến cho rằng nên di dời cây xanh trong công viên Lê Văn Tám đến trồng tạm tại một vườn ươm, sau khi xây dựng xong bãi đậu xe ngầm sẽ đem về trồng lại, như vậy sẽ bảo đảm được mảng xanh, không mất nhiều thời gian chờ cây lớn. Phương án này trước đây đã từng được chủ đầu tư tính đến. Theo đó, cây xanh sẽ được di dời đến vườn ươm ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, sau khi tính toán, chủ đầu tư nhận thấy phương án này không khả thi vì sẽ làm “kiệt sức” cây xanh.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động