Cầu vượt xây thấp, phải “nạo” nền đường!

Cập nhật 24/04/2009 08:50

Chiều 22-4, từng đoàn xe hai phía bắc - nam cầu vượt (đoạn km377+670+10 trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) phải dừng lại để chờ qua gầm cầu vượt vì nửa chiều dài đoạn đường này đang thi công hạ nền đường. Theo một số người dân địa phương, sau khi làm xong cầu, một số xe siêu trường, siêu trọng phải bốc dỡ bớt hàng trên xe để hạ chiều cao mới có thể đi lọt qua gầm cầu.

Đây là lý do buộc Khu Quản lý đường bộ 4 có công văn yêu cầu Cục Đường bộ và ban quản lý đường Hồ Chí Minh tìm giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Ông Lê Ngọc Minh - phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ 4 - giải thích: “Do chiều cao được tính từ mặt đường xe chạy lên điểm thấp nhất của gầm cầu chỉ đạt 4,5m nên các loại xe vận tải siêu trường, siêu trọng có chiều cao vượt quá 4,5m không thể đi qua được”.

Anh Lê Văn Thi - đại đội phó đội 2 thi công (thuộc Xí nghiệp xây dựng 185, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) - cho biết: “Ngày 25-3 chúng tôi bắt đầu hạ nền đoạn đường dưới gầm cầu vượt. Chiều dài đoạn đường bị hạ là 137m. Phía hai đầu đoạn đường hạ thấp xuống 25cm. Phần giữa hạ sâu nhất là 44cm”. Trong hồ sơ thiết kế thi công đoạn đường này có nội dung: “Do tuyến đường này có nhiều xe chạy, đặc biệt là xe siêu trường, siêu trọng nên để đảm bảo độ ổn định cầu vượt đáng lẽ phải tôn cao mặt đường lên 0,25m nhưng do cầu xây thấp nên phải đào bỏ, làm mới đoạn đường này”.

Cũng theo ông Minh, chiều cao của cầu vượt được quy định trong nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, các quy định này liên tục thay đổi. Trước năm 1999 nghị định Chính phủ cho phép chiều cao đảm bảo an toàn giao thông khi xe qua gầm cầu vượt là 4,25m. Từ năm 1999-2004, nghị định 172 quy định chiều cao là 4,5m. Năm 2005, nghị định 186 có quy định mới về chiều cao này là 4,75m. Căn cứ nghị định 186 thì chiều cao 4,5m là không phù hợp. Vì vậy, biện pháp khắc phục để xe có chiều cao trên 4,50m đi qua gầm cầu vượt là phải hạ cốt đoạn đường dưới gầm cầu.

Giải thích câu hỏi vì sao cầu vượt được xây dựng từ năm 2005, có nghĩa chiều cao từ mặt đường lên điểm thấp nhất của gầm cầu phải là 4,75m nhưng vẫn được xây với độ cao 4,5m, ông Minh nói “không phải lỗi của thiết kế”. Theo ông Minh, nguyên nhân là do dự án này được duyệt từ năm 2003 (chiều cao là 4,5m) nhưng họ vẫn cho thi công, bởi thay đổi dự án thiết kế tốn kém hơn nhiều (kể cả thời gian) trong khi hạ thấp đoạn đường này chỉ mất hơn 1 tỉ đồng.

Cầu vượt này nằm trên tuyến đường nối cảng biển Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh, dài 54km. Tuyến đường được khởi công xây dựng năm 2005 đến tháng 1-2009 thì thông tuyến nhưng hiện còn 10m đường đầu cầu phía cảng Nghi Sơn chưa làm xong phần móng, mặt đường và chưa gia cố mái taluy hai bên.

TP.HCM: cầu vượt Chợ Đệm “hụt” tĩnh không

Vừa qua tại TP.HCM cũng phát hiện công trình giao thông “hụt” về tĩnh không, đó là cầu vượt Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. Theo đó, các bên liên quan đã thỏa thuận độ tĩnh không của cầu là 4,5m nhưng sau khi kiểm tra, độ tĩnh không đã thay đổi, cụ thể: bên trái tuyến là 3,9m, tim đường là 4,2m và bên phải tuyến là 4,6m.

Các đơn vị liên quan đã đề xuất ba phương án nhằm khắc phục tình trạng trên, trong đó có phương án hạ cao độ mặt đường Nguyễn Hữu Trí tại điểm giao cắt với cầu vượt sông Chợ Đệm. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng phương án này có nhược điểm là khả năng thoát nước trên tuyến đường sẽ rất hạn chế do mặt đường bị hạ thấp, đặc biệt khi có triều cường kết hợp với mưa.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO