Cầu Long Biên sẽ trở thành vườn treo, làng nghề?

Cập nhật 11/12/2014 09:55

Đề xuất bảo tồn cầu cạn của cầu Long Biên trở thành vườn treo và gầm cầu thành vườn nghệ thuật, làng nghề truyền thống.

Sáng 10/12, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam và Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên đã tổ chức hội thảo “Cầu Long Biên giải pháp nào để bảo tồn và phát triển?” Nhiều phương án về việc bảo tồn và phát triển cầu Long Biên được các chuyên gia đóng góp và bàn luận.
 
Kiến trúc sư Nguyễn Nga - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn đầu tư và Phát triển cầu Long Biên nhận định, trải qua hơn 100 năm, cầu Long Biên đã xuống cấp. Cụ thể vào năm 2010, cây cầu này đã xuống cấp ở mức độ báo động và nhiệm vụ bảo tồn, tu bổ là của tất cả chúng ta.
 

Cầu Long Biên trở thành vườn treo và gầm cầu thành vườn nghệ thuật, làng nghề truyền thống? (Ảnh: Minh Chiến)

Tại hội thảo, vấn đề đưa cầu Long Biên vào khai thác du lịch, tạo điểm nhấn lịch sử cho thủ đô Hà Nội đã được đưa ra mổ xẻ.

Một trong những ý tưởng được đề xuất đó là bảo tồn cầu cạn của cầu Long Biên trở thành vườn treo và gầm cầu thành vườn nghệ thuật, làng nghề truyền thống.
 
Kiến trúc sư Nguyễn Nga đề xuất, khu vườn treo dạo chơi trên cao sẽ kéo dài đến ga Long Biên và cây cầu thép. Người đi bộ hoàn toàn có thể đi lại ở khu vực trung tâm phố cổ, tránh tắc đường nhờ kiểu quy hoạch này. Hai làn đường bên cầu dành cho người đi bộ.
 
Cùng với đó sẽ cải tạo hệ thống gầm cầu thành phố vườn nghệ thuật giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật.
 
Cũng theo vị kiến trúc sư này, trên 9 nhịp cầu nguyên thủy sẽ được duy trì bảo tồn nguyên trạng. Tại điểm này sẽ cho triển lãm 2 đầu tàu hơi nước, bên cạnh đó những toa xe cũ sẽ được trang trí để trở thành những nhà hàng, quán cà phê hấp dẫn.

Trong quy hoạch mà bà Nga đề xuất, sẽ đúc mới 10 nhịp cầu bị phá hoại để hoàn chỉnh về thiết kế như năm 1902. Trên những đoạn cầu mất nhịp được tái hiện lại, sẽ có được khoảng không gian 4.000m2 để làm các phòng tranh và Bảo tàng Ký ức lịch sử thế kỷ XX.

Về cách thức xây dựng bảo tàng, bà Nga cho biết, bảo tàng này được làm bằng kính dựa trên khung thép của cầu Long Biên nguyên thủy và dùng năng lượng xanh từ mặt trời, từ gió và dòng sóng. 

Đáng chú ý, khu vực bãi giữa sông Hồng sẽ không bị bỏ quên trong quy hoạch này của bà Nga. Theo đó, khu bãi giữa sẽ trở thành quảng trường, triển lãm quốc gia Nông – Lâm – Ngư Việt Nam và là công viên nghệ thuật.

Trước đề xuất của bà Nguyễn Nga, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc bảo tồn và phát triển cầu Long Biên là cần thiết, nhưng các phương án đưa ra đều phải xem xét, đánh giá kĩ càng.

Theo ông Nghiêm, phương án đề xuất của bà Nga là 'quá tải' với cầu Long Biên. "Bảo tồn và phát huy giá trị cầu Long Biên nhưng không nên ôm đồm quá khi xây dựng cả bảo tàng, làng nghề, vườn treo...vào công trình này" ông Nghiêm nói.

GS Phạm Đình Việt – Trường ĐH Xây dựng cho rằng cầu Long Biên phải giữ vì đó là một di sản hình ảnh cầu Long Biên in dấu trong tâm trí người Hà Nội. Ông Việt đặt ra vấn đề phải bảo tồn làm sao được nguyên gốc của nó cho mai sau, giá trị nguyên gốc của cây cầu là giao thông.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News