Cầu Cần Thơ đang dần hiện ra

Cập nhật 06/01/2009 09:28

Hơn một năm sau sự cố, những ngày này trên công trường xây dựng cầu Cần Thơ, 2.000 kỹ sư và công nhân đang miệt mài làm việc ba ca/ngày vì chiếc cầu mà theo họ là đẹp nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Một ngày cuối năm 2008, từ bến Ninh Kiều (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chúng tôi thuê chiếc đò chở đến công trường cầu Cần Thơ cách đó không đầy 2km. Trên con đò nhỏ tròng trành giữa dòng sông Hậu, càng đến gần cầu Cần Thơ, chúng tôi càng nhìn thấy rõ hai trụ tháp cao 164m đã vươn lên bầu trời và hàng chục dây văng xòe ra trên vùng sông nước mênh mông.

Còn ở đầu nhịp cầu đang chơi vơi giữa sông (nhịp cầu giữa hai trụ tháp còn cách nhau 350m), những tia lửa hàn tung tóe của những người thợ xây cầu đang tất bật công việc nối đôi bờ sông Hậu.



Công nhân bơm bêtông ở khu vực nhịp cầu dẫn P14,
P15 - nơi bị sập hơn một năm trước - Ảnh: Ngọc Ẩn.


Giàn giáo mới


Vừa tấp vào bờ công trường xây dựng cầu Cần Thơ, chúng tôi đã thấy hàng chục công nhân đang hối hả khuân từ đò lên bờ ống nước, bao bố, đèn cao áp… Một kỹ sư xây dựng cho biết tốp thợ đang chuẩn bị công việc để lúc hai giờ sáng đổ mặt sàn nhịp dẫn cầu Cần Thơ.

Theo vị kỹ sư này, sở dĩ phải đổ bêtông vào giữa khuya vì lúc đó thời tiết mát mẻ nên bêtông sẽ không bị co ngót nhiều so với đổ ban ngày, để bảo đảm chất lượng công trình người thợ xây cầu còn dùng bao bố thấm nước đậy lên bề mặt bêtông trước khi trời sáng.

Từ bờ sông đi vào công trường khoảng trăm mét là đến khu vực đã xảy ra sự cố sập nhịp P14 và P15 (nhịp dẫn) cầu Cần Thơ. Thay cho cảnh đổ nát hoang tàn trước đây, những giàn giáo mới đã được lắp đặt vươn cao. Tại đây có hơn chục kỹ sư và công nhân bận bịu bơm bêtông vào bệ trụ tạm P15.

Một công nhân cầm ống vòi hướng dòng bêtông đang tuôn chảy qua những khe sắt, còn các công nhân khác dùng máy sục bêtông. Cách đó hơn chục mét, những tài xế chở bêtông đứng trên xe lặng lẽ theo dõi hiệu lệnh để rút ra và ngay lập tức xe khác tiến vào vị trí bơm bêtông.

Theo kỹ sư công trường, đến nay đã hoàn thành xây dựng trụ P14 cao 30m và trụ P15 đã đúc đến đốt thứ ba (trụ có sáu đốt). Còn ở trụ tạm T13 đã thi công xong phần móng. Để bảo đảm chất lượng công trình, nhà thầu thi công đã khoan cọc nhồi sâu xuống tận nền đất cứng, thay vì trước đây đóng cọc. Một kỹ sư cho biết chất lượng và an toàn công trình đã được đặt lên hàng đầu chứ không chạy theo tiến độ.

Đã xong ¾ khối lượng

Hiện nay, trên toàn công trường cầu Cần Thơ có khoảng 2.000 kỹ sư và công nhân làm việc mỗi ngày ba ca. Một cán bộ công trường cho biết gói thầu số 2 - xây dựng cầu chính đã đạt 75% khối lượng và mọi người đang cố gắng làm việc để sớm hoàn thành công trình này.

Theo cán bộ công trường, cầu Cần Thơ được xây dựng rất đặc biệt là lắp đặt nhịp dầm thép ở giữa cầu dài 210m và nặng 8.000 tấn (vừa được nhập về cảng Cái Cui). Theo kế hoạch, vào đầu tháng 6-2009 bắt đầu lắp đặt nhịp dầm thép và hoàn thành nối liền đôi bờ vào tháng 11-2009. Đến cuối tháng 3-2010 dự kiến sẽ hoàn thành cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng.

Các kỹ sư và công nhân của Công ty cổ phần bêtông 620 Châu Thới cho biết đã hoàn thành lắp đặt 31/35 nhịp dẫn cầu Cần Thơ và đã cung cấp 100.000m3 bêtông, chiếm 80% khối lượng bêtông ở công trình cầu Cần Thơ, được cơ quan chức năng xác định chất lượng tốt.

“Chúng tôi tự hào và hãnh diện vì được đóng góp công sức xây dựng chiếc cầu đẹp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Bài học nhớ đời là phải chấp hành quy tắc kỹ thuật về an toàn để mãi mãi không bao giờ xảy ra sự cố đau lòng trong các công trình xây dựng sau này” - các kỹ sư, công nhân trên công trường xây cầu Cần Thơ đã nói như vậy.

15 tháng nữa hoàn thành cầu

Cầu Cần Thơ có tổng chiều dài 15,85km trên quốc lộ 1, nối huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Dự án cầu Cần Thơ có tổng mức đầu tư khoảng 4.841 tỉ đồng (tương đương 342,6 triệu USD - thời điểm năm 2001), khởi công ngày 25-9-2004, dự kiến hoàn thành cuối năm 2008. Tuy nhiên, ngày 26-9-2007 đã xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu khi đang xây dựng, cướp đi sinh mạng của 54 thợ xây cầu, 80 kỹ sư và công nhân bị thương. Sau sự cố trên, dự kiến công trình hoàn thành vào cuối tháng 3-2010.


Dự án gồm 3 gói thầu:

Gói thầu 1: là đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km trong đó có bốn cầu qua kênh Trà Và lớn, Trà Và nhỏ, sông Trà Ôn và cầu vượt quốc lộ 54. Gói thầu này do liên doanh Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và 8 thi công.

Gói thầu 2: là cầu chính với tổng chiều dài 2,75km, rộng 23,1m trong đó có bốn làn xe và hai lề bộ hành, mỗi lề rộng 2,75m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ do Liên danh TKN (Nhật) gồm Tập đoàn Taisei, Kajima và Nippon Steel thi công.

Gói thầu 3 là đoạn đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km trong đó có 6 cầu qua kênh Cái Tắc, kênh Cái Da, kênh Ấp Mỹ, kênh Cái Nai, sông Cái Răng và cầu vượt quốc lộ 91B. Gói thầu này do Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc thi công.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ