Có tiềm năng lớn về du lịch, huyện đảo Cát Bà (TP.Hải Phòng) từng được nhiều doanh nghiệp bất động sản lựa chọn để rót vốn, trong đó có nhiều dự án tỷ đô. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu là "bánh vẽ", hoặc nhanh chóng “chết yếu”.
Quá nhiều dự án bánh vẽ như Cát Bà Amatina là một trong nhiều nguyên
nhân dẫn đến việc Cát Bà chậm bứt tốc trong phát triển du lịch
Năm 2014, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư quốc tế GIICO có số vốn điều lệ đăng ký 100 tỷ đồng hào hứng tuyến bố là chủ đầu tư dự án Quần thể du lịch - Tài chính quốc tế
Venus Cát Bà - Hạ Long có tổng mức đầu tư lên đến 2 tỷ USD. Doanh nghiệp này đã liền một lúc “khoanh” tổng cộng 311 ha đất tại các xã Xuân Đám, Gia Luận, Hiền Hào, Cái Viềng trên đảo Cát Bà và một số xã lân cận của đảo Cát Hải, TP.Hải Phòng vào vùng thực hiện dự án.
Thời điểm đó, ông Hà Mạnh Dũng, Chủ tịch HĐQT GIICO công bố, dự án có các hạng mục sân golf, biệt thự, khách sạn 5 sao, khu công viên giải trí biển, khu bảo tồn động vật hoang dã… Cam kết mà nhà đầu tư này đưa ra với Hải Phòng là đến năm 2017, những hạng mục đầu tiên của dự án sẽ được đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, sau 4 năm, lời hứa về siêu dự án tỷ đô đã bị cuốn theo sóng biển khi dự án này vẫn chỉ trên giấy, còn chủ đầu tư dự án thì bỗng "mất tích" một cách khó hiểu. Hiện tại, không những không thể liên lạc được với ông Dũng, ngay cả trang web venuscatba.com.vn từng được coi là trang chủ giới thiệu về dự án này cũng mất hút và dẫn site link thành một website về cây cảnh tận…Tây Ninh(!?)
Không đến nỗi “mất hình, mất dạng” như Venus Cát Bà, dự án tỷ đô Cát Bà Amatina do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) làm chủ đầu tư, đã được triển khai và cũng đã tung một số sản phẩm ra thị trường từ năm 2009 - 2010. Khi đó, chủ đầu tư từng công bố, 95% biệt thự khu Tùng Thu và Bazzar Avenue đã có chủ.
Tuy nhiên, do rơi vào đúng chu kỳ khó khăn của kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng, dự án đã phải ngưng trệ vì đói vốn, trong khi chủ đầu tư bị lỗ nặng liên tục trong 2 năm 2012 - 2013 vì phải chịu chi phí lãi vay lớn, cộng với tiền bảo lãnh để đầu tư vào dự án. Kết quả dự án có quy mô lên tới 172 ha, có vị trí trải dài từ thị trấn Cát Bà tới xã Trân Châu, thuộc huyện Cát Hải, Hải Phòng chết yểu.
Trong khi đó, bản thân các cổ đông chính là Tổng công ty Vinaconex, Eximbank và CTCK Ngân hàng Agribank (Agriseco) cũng "mắc kẹt" với khoản đầu tư vào đây khi giá cổ phiếu VCR tụt thảm hại, hiện chỉ còn 2.500 đồng/cổ phiếu.
Tương tự như VCR, Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cũng đua rót vốn vào Cát Bà với dự án khu du lịch sinh thái rộng 68 ha nằm ngay trung tâm thị trấn đảo du lịch Cát Bà, nhìn ra Cửa Bèo. Dự án đã được động thổ vào tháng 7/2011.
Theo cam kết, dự án sẽ có quần thể khu khách sạn tiêu chuẩn 3 sao, biệt thự, nhà nghỉ dưỡng với khu du lịch sinh thái thể thao, vui chơi giải trí, mua sắm… phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước và được hứa hẹn là điểm nhấn của du lịch Cát Bà trong tương lai.
Chủ đầu tư cũng cam kết, sau 5 năm thi công, năm 2015, dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên đến nay, đã quá thời hạn thực hiện dự án hơn 2 năm, người dân Cát Bà cũng không nhớ có một nhà đầu tư từng động thổ xây dựng dự án du lịch tại đây.
Ngoài các doanh nghiệp trên, hàng loạt doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Thương mại Kinh Thành, Công ty TNHH Nhật Việt, Công ty TNHH Hà Phú… cũng đã được TP.Hải Phòng giao hàng trăm héc-ta đất tại Cát Bà để triển khai các dự án, nhưng đến nay, chưa có dự án nào được triển khai xong.
Không thể phủ nhận tiềm năng du lịch rất lớn của Cát Bà với nhiều bãi tắm đẹp, rừng quốc gia với loài vọoc đầu trắng rất quý hiếm, đồng thời có tới 7 hệ sinh thái cận nhiệt đới và là một khu dự trữ sinh quyển thế giới. Thế nhưng, trong khi nhiều địa phương khác dù kém hơn về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch như Sầm Sơn, Phan Thiết, Bình Định…, đã có sự bứt tốc mạnh mẽ, thì Cát Bà lại lặng lẽ với những dự án tỷ đô chết yểu.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản