Cấp 'sổ hồng' ngôi nhà hơn 3.000 lượng vàng theo hồ sơ giả

Cập nhật 23/07/2018 10:23

Khi đi làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ngôi nhà 117 Pasteur (Q.3, TP.HCM), chủ nhà tá hỏa phát hiện nhà của mình đã được cơ quan chức năng cấp giấy cho người khác.


Ngôi nhà 117 Pasteur. ẢNH: NGUYÊN BẢO

Nhờ lo thủ tục, mất luôn ngôi nhà

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), cần xác định ban đầu ông Thình nhận làm thủ tục giấy tờ cho bà Hạnh nhưng không có ý đồ chiếm đoạt mà nảy sinh sau khi hoàn thành thủ tục thì có dấu hiệu của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 175, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp ông Thình nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản ngay từ khi bà Hạnh nhờ làm giấy tờ thì có dấu hiệu của tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 BLHS năm 2015. Bên cạnh đó, ông Thình còn có dấu hiệu phạm tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo điều 341 BLHS năm 2015

Theo trình bày của bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (59 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) với PV Thanh Niên, ngôi nhà 117 Pasteur, Q.3 (diện tích 790 m2) của bà Đặng Thị Trước cho lại cháu ngoại là ông Vũ Mai (ngụ H.Hóc Môn) vào năm 1974. Năm 1976, ông Mai vướng vòng lao lý về tội chứa chấp cờ bạc nên vắng nhà, đến năm 1977 bà Trước qua đời. Tháng 6.1978, 3 người dì của ông Mai làm hợp đồng cho chi nhánh Công ty thiết bị phụ tùng cơ khí và công cụ nông nghiệp (gọi tắt là Công ty cơ khí nông nghiệp) mượn ngôi nhà trên để làm việc. Hai tháng sau, 3 người này làm đơn hiến ngôi nhà cho công ty. Ngày 10.1.1979, UBND TP.HCM ra quyết định chấp thuận đơn giao nhà (117 Pasteur) cho nhà nước quản lý và sử dụng; đồng thời giao ngôi nhà cho Công ty cơ khí nông nghiệp được ký hợp đồng thuê nhà.

Năm 1981, ông Mai trở về thì mới biết nhà 117 Pasteur do cơ quan nhà nước quản lý nên làm đơn khiếu nại, đòi nhà. Năm 1988, ông kết hôn với bà Hạnh, có 3 con chung. Trong quá trình đi khiếu nại, vào năm 2002, ông Mai nhờ ông Nguyễn Văn Thình (66 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) giúp lo thủ tục giấy tờ gửi đến cơ quan chức năng đòi lại nhà, nên ông Thình biết rất rõ vụ việc. Đến năm 2008, ông Mai qua đời thì bà Hạnh tiếp tục đi khiếu nại đòi lại nhà.

Tháng 1.2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND TP.HCM xem xét lại quyết định chấp thuận đơn giao nhà của 3 người dì ông Mai, vì những người này không phải chủ sở hữu hợp pháp ngôi nhà. Tháng 3.2017, UBND TP.HCM thu hồi, hủy bỏ quyết định nói trên. Ngày 3.10.2017, bà Hạnh đến Phòng Công chứng Q.10 lập văn bản khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và các con đồng ý tặng toàn bộ phần thừa kế căn nhà cho bà Hạnh để bà đi làm giấy tờ nhà. Sau đó, bà nộp hồ sơ cho UBND Q.3 đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì mới phát hiện UBND Q.3 đã cấp cho ông Thình vào ngày 5.10.2017.

Ngày 9.10.2017, bà Hạnh nộp đơn đề nghị ngăn chặn và đơn khiếu nại việc UBND Q.3 cấp giấy chủ quyền nhà 117 Pasteur cho ông Thình; đồng thời gửi đơn tới Công an TP.HCM tố cáo ông Thình làm giả giấy tờ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giấy tờ giả “lọt lưới” cơ quan công quyền ?

Qua xác minh, Cơ quan CSĐT Công an TP xác định ngày 5.10.2017, UBND Q.3 ký ban hành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với ngôi nhà 117 Pasteur cho ông Nguyễn Văn Thình làm chủ sở hữu; mặc dù hồ sơ có nhiều chi tiết không hợp lý.

Cụ thể, giấy bán nhà ngày 18.1.2002 giữa ông Mai và ông Thình, nội dung nêu ông Mai đồng ý bán ngôi nhà 117 Pasteur cho ông Thình với giá 3.355 lượng vàng SJC. Ngày 18.1.2002, ông Mai có nhận lần thứ nhất số tiền 2.855 lượng vàng SJC, số còn lại 700 lượng vàng SJC (?) (nếu đúng thì phải là 500 lượng - PV) sẽ thanh toán khi công chứng sang tên. Ngày 6.2.2002, ông Mai ký nhận 50 lượng và ngày 16.6.2002 nhận thêm 650 lượng vàng SJC, đồng thời hai bên xác nhận đã giao giấy tờ nhà bản chính cho ông Thình, trong giấy này có chữ ký của bà Hạnh. Ngoài ra, ông Thình còn nộp một số giấy tờ khác cho UBND Q.3 để xin cấp giấy chứng nhận, như: bản tường trình và cam kết ngày 13.4.2017 của ông Thình về nguồn gốc ngôi nhà (số 117 Pasteur, P.6, Q.3) được UBND, P.8, Q.3 (?) (đúng ra UBND P.6, Q.3 - PV) xác nhận chữ ký ngày 13.4.2017; đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận… ngày 14.5.2017 của ông Thình được UBND P.6 (Q.3) ký xác nhận ngày 20.6.2017.

Làm việc với Cơ quan CSĐT, bà Hạnh khẳng định vợ chồng bà không ký giấy bán nhà cho ông Thình. Bà Hạnh còn cung cấp thông tin ông Thình hứa sau khi làm được giấy tờ sẽ bán ngôi nhà cho một người khác và đã làm hợp đồng nhận cọc 40 tỉ đồng tại một văn phòng công chứng vào ngày 1.4.2017. Cơ quan CSĐT tiến hành mời ông Thình lên làm việc nhưng ông này không còn ở nơi cư trú từ năm 2013, chưa xác định đã đi đâu, nên không ghi nhận được lời khai.

Qua điều tra, ngày 24.4.2018, Cơ quan CSĐT Công an TP kết luận ông Thình (1 tiền án về tội cướp tài sản, 1 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) có hành vi sử dụng giấy bán nhà ngày 18.1.2002 có chữ ký giả mạo của ông Mai và những người liên quan, rồi nộp vào UBND Q.3 để được cấp giấy chứng nhận nhà là gian dối. Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT không xác định được ông Thình đang ở đâu, nhưng ngày 2.5.2018 ông này đã đến một văn phòng công chứng ở TP.HCM chuyển nhượng ngôi nhà trên cho bà L. (quê Trà Vinh).

Ngày 20.7, PV Thanh Niên liên lạc với bà L. để tìm hiểu thêm về việc mua bán ngôi nhà 117 Pasteur giữa bà và ông Thình... Tuy nhiên, bà L. từ chối cung cấp và cho rằng việc giao dịch căn nhà dựa trên giấy tờ thật do ông Thình đứng tên. Trong khi đó, phát hiện căn nhà đã bị ông Thình bán cho người khác, bà Hạnh đã gửi đơn tố cáo ông Thình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tới Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên