Cấp 'sổ đỏ' tại Hà Nội: Không thể trì hoãn

Cập nhật 10/03/2017 11:36

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến ngày 30/6/2017 phải hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) cho các hộ gia đình, cá nhân.


Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Vướng mắc tại nhiều địa phương

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, tích cực tháo gỡ những vướng mắc từ cơ sở cũng như phản ánh của tổ chức, người dân.

Tuy nhiên, qua các cuộc kiểm tra, giám sát của Tổ công tác liên ngành và Đoàn giám sát của HĐND thành phố cho thấy, việc cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp còn lại vẫn còn nhiều khó khăn do đều có tính chất phức tạp, đa dạng, chưa đủ các căn cứ pháp lý để xác định nguồn gốc đất, đất có tranh chấp, khiếu kiện...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính lũy kế đến ngày 20/2/2017, khối lượng giấy chứng nhận cấp lần đầu đã đạt 90,35%, còn 131.027 thửa còn vướng mắc chưa cấp; cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án đạt 81,63%, còn phải cấp khoảng 27.000 trường hợp; cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức sử dụng đất đạt 70,8%, còn khoảng 5.600 thửa đất chưa cấp; cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa đạt 96,44%, còn phải cấp 22.443 sổ trong thời gian từ nay đến ngày 31/3/2017.

Thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý một số địa phương rất khó hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận theo đúng tiến độ. Điển hình như huyện Sóc Sơn, đến nay mới cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư đạt gần 74% (còn tồn 19.724 trường hợp); cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cũng chỉ đạt 65% (cần phải cấp 11.033 giấy chứng nhận), thậm chí có xã mới đạt 43,2% (Tân Minh), 34% (Bắc Sơn)…

Lý giải về sự chậm trễ này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, trong số 19.724 trường hợp còn tồn, có 8.494 thửa đất đủ điều kiện nhưng người dân chưa kê khai, đăng ký cấp giấy; 9.069 thửa đất do lấn, chiếm, được giao đất trái thẩm quyền, trước khi xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có kết luận thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; 2.120 thửa trùng lấn quy hoạch rừng năm 2008 không đủ điều kiện cấp (huyện đã lập hồ sơ quản lý).

Với số lượng thửa đất còn tồn đọng lớn như vậy, lãnh đạo huyện Sóc Sơn khẳng định không thể hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận trước ngày 30/6/2017, đồng thời đề nghị thành phố cho huyện lùi thời gian hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với 9.107 thửa đất còn khó khăn, vướng mắc đến ngày 31/12/2017.

Tương tự, huyện Chương Mỹ có 2.830 ha với 81.858 thửa đất, tương ứng với 81.858 giấy chứng nhận phải cấp, nhưng đến nay còn có 21.607 trường hợp chưa kê khai, đăng ký cấp. Trong đó, 7.853 thửa đủ điều kiện cấp nhưng người sử dụng đất chưa kê khai, đề nghị cấp; 391 thửa không đủ điều kiện nhưng phải thực hiện kê khai, lập hồ sơ quản lý; 13.363 thửa cần xem xét giải quyết do tranh chấp, lấn chiếm, giao đất trái thẩm quyền…

Tại quận Bắc Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kim Vinh nêu nhiều nguyên nhân khiến việc cấp giấy chứng nhận còn khó khăn. Với 12.082 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận (chiếm 25% trong tổng số thửa cần cấp trên địa bàn) có 2996 thửa đủ điều kiện nhưng chưa cấp, 1960 thửa chưa đăng ký kê khai dù phường đã thông báo 3 lần đến người sử dụng đất, 1310 thửa cần thanh kiểm tra trước khi cấp giấy, 5816 thửa không đủ điều kiện cấp.

Hay trên địa bàn quận Hà Đông, trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận, vướng mắc nổi cộm nhất là cấp đất trái thẩm quyền. Hiện quận có 37 trường hợp sử dụng đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa (thuộc huyện Thanh Oai và Hoài Đức trước đây) xảy ra tình trạng thôn, xã tự ý đổi đất của người dân sang vị trí đất công khác để xây dựng công trình công cộng.

Quận Ba Đình cũng còn khoảng 2.000 hộ bị chậm cấp giấy chứng nhận do vướng quy hoạch và nằm trong các dự án đang triển khai. Huyện Gia Lâm vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho 123 trường hợp tại xã Kim Lan và 17 trường hợp tại xã Bát Tràng, tuy đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chỉ đạo nhưng vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi…

Không thể trì hoãn

Trước những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan phải tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số nhiệm vụ “nóng” để phấn đấu hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận theo đúng Chỉ thị của Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố.

Cùng với 4 tổ công tác đang hoạt động hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thành lập thêm 2 tổ công tác, phối hợp các sở, ngành liên quan xuống làm việc với các quận, huyện, thị xã để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc cụ thể trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận. "Không để tình trạng tổ công tác đi xuống địa phương xem hồ sơ lại cho rằng “vướng chỗ này” “vướng chỗ kia”, không thuộc chuyên môn cần báo lại. Như vậy là lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo.

Đối với các trường hợp cấp chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng vướng về nguồn gốc, các căn cứ pháp lý, UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký kê khai theo quy định, hoàn thành trước ngày 30/4/2017 để phục vụ cho việc quản lý; trên cơ sở đó tổng hợp, đề xuất phương án xử lý, giải quyết. “Không vì mục tiêu hoàn thành cấp giấy chứng nhận mà thực hiện vội vàng, trái quy định làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và các hành vi tiêu cực”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Về các nội dung kiến nghị cụ thể của các quận, huyện, thị xã, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổng hợp, kịp thời hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tháo gỡ, giải quyết; đồng thời nghiên cứu, đề xuất thành phố bổ sung, điều chỉnh các Quyết định cho phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan và thực tiễn công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố trong tháng 3/2017. Đặc biệt, hàng tháng UBND các quận, huyện, thị xã phải báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Riêng công tác cấp giấy chứng nhận cho người dân sau dồn điền đổi thửa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng không chấp nhận bất cứ lý do nào để trì hoãn, yêu cầu phải kết thúc việc cấp giấy chứng nhận này trước ngày 30/3/2017. “Tay chúng ta làm, tay chúng ta chia đất thì phải tạo điều kiện cho người dân, việc cấp giấy chứng nhận không thể có vướng mắc. Trên cơ sở các phương án dồn điền, đổi thửa, căn cứ vào bản đồ đo đạc phải cơ bản giải quyết 100%" - Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN