Cấp sổ đỏ: Còn nhiều vướng mắc

Cập nhật 15/05/2012 08:10

Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý đất đai của TP Hà Nội, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập từ cơ chế, chính sách cho đến cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ khiến công tác này chưa đạt yêu cầu.

Vướng từ cơ chế, chính sách

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến nay Hà Nội đã cấp được trên 1 triệu sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân khu vực đô thị và nông thôn, đạt 92%. Tỷ lệ này dễ khiến chúng ta nghĩ rằng mục tiêu hoàn thành việc cấp sổ đỏ của TP sẽ "về đích" trước hạn. Tuy nhiên, chính những tỷ lệ phần trăm ít ỏi đó lại đang là phần "xương" nhất. Theo ông Lê Thanh Nam - Trưởng phòng Đăng ký thống kê (Sở TN&MT), với các trường hợp còn lại, TP đã ra chỉ tiêu từng quận, huyện hết năm 2012 sẽ phải cấp được 98% và có kế hoạch cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, số 8% còn lại là những trường hợp rơi vào dạng hồ sơ có vướng mắc, hộ dân không đến kê khai hoặc những lý do khác.


Việc cấp sổ đỏ cho người dân còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Ảnh: Minh Nguyễn

Vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ có nguyên nhân ngay từ cơ chế, chính sách. Cụ thể, tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT của Bộ TN&MT triển khai Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về cấp GCN nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể trong những trường hợp đăng ký biến động như thửa đất có nhiều người sử dụng, nhiều chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất; cấp GCN đối với trường hợp xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch...

Quy định chồng chéo về nơi nộp hồ sơ xin cấp GCN, đăng ký biến động về sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở cấp quận, huyện đang gây khó khăn cho người dân và cả các cơ quan quản lý. Nghị định 88/CP của Chính phủ quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ và nhận GCN tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc UBND xã, thị trấn nơi có đất, tài sản gắn liền với đất. Quyết định 93/QĐ-TTg ngày 22-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ lại quy định nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp huyện. Hai quy định này dẫn đến việc không hợp chung một đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Để giải quyết, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo phòng TN&MT cử cán bộ sang phối hợp với cơ quan “một cửa”. Tuy nhiên, không phải nơi nào sự phối hợp cũng trơn tru. Không ít người dân đến nộp nhưng lại phải đến bổ sung hồ sơ do cán bộ nơi tiếp nhận hồ sơ chưa hướng dẫn, giải thích cụ thể.

Công chức gây phiền hà cho dân

Tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở tại các dự án chung cư, nhà liền kề tại Hà Nội hiện cũng rất chậm. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ năm 2001 đến nay, toàn TP có 153 dự án phát triển nhà ở đã triển khai, tổng số căn hộ chung cư và nhà liền kề theo dự án được duyệt khoảng 183 ngàn căn. Tuy nhiên, kết quả cấp giấy GCN nhà ở tại các dự án này tính đến thời điểm kiểm tra mới chỉ đạt 9,3%. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng mua đi, bán lại nhà ở tại các dự án thường chiếm 70% tổng số căn hộ, nhưng không làm thủ tục theo quy định, gây khó khăn cho việc cấp GCN. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư vi phạm pháp luật về xây dựng trong quá trình thực hiện dự án, phải chờ xử lý vi phạm. Một số dự án chung cư, sau khi bán căn hộ cho khách hàng, đã giải thể, bán cổ phần cho DN khác, khách hàng không đủ điều kiện để làm sổ đỏ...

Ông Trần Hùng Phi - Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê (Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN&MT) cho biết, thời gian qua, Bộ TN&MT đã tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác cấp sổ đỏ tại Hà Nội. Tại một số nơi, có trường hợp cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu cả những loại giấy tờ không cần thiết và biện bạch rằng dân nộp thì cứ nhận. Có nơi còn bắt buộc người dân nộp cả sổ hộ khẩu bản sao có công chứng. Đó chính là những yếu tố gây phiền hà, gây bức xúc cho người dân. Thứ nữa, về việc thực hiện thủ tục, so với mặt bằng chung, Hà Nội phức tạp hơn các nơi khác và còn chưa thống nhất tại các quận, huyện. Thậm chí có quy định nhưng khi dân nộp hồ sơ, phường, xã không nhận với lý do không phải mẫu của phường, xã. Hiện nay cả nước áp dụng cơ chế "một cửa", tức là dân chỉ nộp hồ sơ một nơi, nhận kết quả một nơi, thậm chí nghĩa vụ tài chính cũng nộp tại đó, chứ không phải dân tự đem hồ sơ đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính. Điều này, riêng Hà Nội chưa làm được.

Để tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian hoàn thành công tác cấp GCN cho người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu các quận, huyện phải vào cuộc quyết liệt hơn. Quá trình làm thủ tục, bị tắc ở cấp nào phải thanh tra, giải quyết ngay từ cấp đó; hạn chế thấp nhất các trường hợp "ngâm" hồ sơ lâu ngày, không giải quyết. Đối với hồ sơ đủ điều kiện được cấp GCN bị tồn đọng, cấp phường, xã có trách nhiệm thông báo tới tổ dân phố để dân biết. Đối với các dự án nhà ở chung cư đang có vướng mắc cho người mua nhà ở do chủ đầu tư gây ra, TP sẽ thực hiện biện pháp kiên quyết buộc chủ đầu tư khắc phục ngay sai phạm; không cấp phép cho chủ đầu tư và không giao đất, cho thuê đất mới đối với đơn vị có vi phạm đến khi chủ dự án khắc phục xong để cấp GCN cho người mua nhà.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới