Cấp phép đầu tư mới: Vì “tồn” nên... cấm

Cập nhật 02/05/2014 07:15

Bộ Xây dựng vừa có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014.


Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ Xây dựng và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Kiến nghị này được Bộ Xây dựng cho là một trong số giải pháp nhằm gỡ khó, hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Thế nhưng, các chuyên gia, nhà tư vấn bất động sản và chủ đầu tư ngay lập tức đã có ý kiến không đồng tình khi cho rằng đây là kiến nghị vô lý và không phù hợp tư duy thị trường.

Ông Đỗ Văn Triều - Cty Cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm cho biết, nếu dừng hẳn phát triển nhà ở thương mại và chỉ chú trọng vào nhà ở xã hội sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng phá hỏng kiến trúc đô thị. Bởi vì hiện nay, thực tế cho thấy, nhiều khu nhà tái định cư, nhà dành cho người thu nhập thấp xuống cấp rất nghiêm trọng. Thứ nhất vì không có ai đến ở. Nguyên nhân quan trọng hơn là chất lượng thi công, quản lý, bảo dưỡng của nhiều chủ đầu tư còn chưa tốt. Trong thời gian tới, nếu thành phố không kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng có thể sẽ xuất hiện nhiều khu "ổ chuột" trên cao". Thứ hai, quy định trên cũng không mấy tác dụng với ngành BĐS trên địa bàn. Bởi vì, hiện nay, rất nhiều khu nhà ở xã hội dù đẩy giá xuống thấp nhưng vẫn "chỏng chơ".

Còn theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị này thiếu tư duy thị trường. Thị trường vận hành theo quan hệ cung – cầu, chứ không phải cho phép hay không cho phép. Nếu có "cầu" thì sẽ có "cung", nếu không có "cầu" mà anh cho phép xây thì cũng chẳng ai "cung", hoặc "cung" thừa, lại "ế" như bây giờ. Thị trường bất động sản có nhiều phân khúc, thừa là thừa phân khúc cao cấp và đang thiếu phân khúc nhà ở phổ cập. Chúng ta đang thiếu những loại nhà ở có giá dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1 tỉ đồng/căn, phân khúc cho những đối tượng có thu nhập trung bình. Còn phân khúc cao cấp là dành cho những tầng lớp giàu có. "Không có lý do gì để ngừng cấp phép các dự án mới, không thể cấm sản xuất "xăng đan" khi đang thừa "ủng". Vì thế, kiến nghị này rất vô lý", ông Liêm nói.

Rõ ràng, việc tạm dừng các dự án mới, đồng nghĩa với việc bắt thị trường phải hấp thụ những dự án cũ. Nếu ngừng cấp phép trong năm nay thì thời gian tới, lại khan hiếm nguồn cung, lại xảy ra sốt nóng thì sao?

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN