Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), ruộng đồng của Hà Nội đã không còn manh mún, phân tán, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân sau DĐĐT ở hầu hết các địa phương vẫn "giậm chân tại chỗ".
Đến nay, toàn thành phố đã cơ bản thực hiện xong công tác DĐĐT, với diện tích hơn 76.550ha, đạt 100,19% kế hoạch đề ra. Thông qua việc sắp xếp lại ruộng đất, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu cũng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Thực tế, trung bình mỗi hộ gia đình trước đó có 7-15 thửa ruộng, thậm chí 27-39 thửa như ở Chương Mỹ, Sóc Sơn… nhưng nay chỉ còn 1-2 thửa, thuận lợi cho đầu tư thâm canh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân. Sau DĐĐT đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao như trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi ở một số xã thuộc huyện Hoài Đức, Mê Linh, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh… cho thu nhập 0,5-1,5 tỷ đồng/ha, thậm chí 2,5-3 tỷ đồng/ha/năm. Cũng nhờ DĐĐT mà diện tích đất sản xuất nông nghiệp dôi dư do phá vỡ bờ vùng, bờ thửa và thu hồi diện tích trước đây giao không đúng quy định được hơn 1.600ha đưa vào quỹ đất công của các xã...
Công tác cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn đổi ruộng ở hầu hết các địa phương vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ảnh: Hải Anh
|
Quyết định 16 của UBND thành phố ban hành ngày 6-7-2012 về "Thí điểm một số chính sách khuyến khích, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016", trong đó nêu rõ: "Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT, xây dựng bản đồ… theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện".
Ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, việc cấp sổ đỏ sau DĐĐT không những làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất mà còn tránh tình trạng lấn chiếm, tranh chấp… Tuy nhiên, việc cấp sổ đỏ dường như vẫn "giậm chân tại chỗ" do thiếu kinh phí đo đạc, chỉnh lý bản đồ… để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy. Đơn cử như huyện Chương Mỹ đã cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT nhưng chưa được bố trí kinh phí nên việc cấp lại sổ đỏ đất nông nghiệp chưa thực hiện. Không riêng Chương Mỹ, nhiều địa phương cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tại các buổi tiếp xúc cử tri và kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân và chính quyền các địa phương đều kiến nghị việc phân bổ kinh phí hỗ trợ đo đạc, cấp lại sổ đỏ đất nông nghiệp sau DĐĐT để các hộ dân yên tâm sản xuất trên thửa ruộng hợp pháp của mình.
Qua tìm hiểu tình hình, ngoài thiếu kinh phí dẫn đến việc chậm cấp lại sổ đỏ cho người dân sau DĐĐT còn có nguyên nhân khó khăn liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận. Tại Điều 63, Quyết định 24/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 20-6-2014 quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện DĐĐT đất nông nghiệp nêu rõ: Thành phần hồ sơ phải có văn bản thỏa thuận giữa các hộ về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân…
Quy định là vậy, nhưng theo phản ánh của một số huyện, trước đó (ngày 14-5-2012), khi bắt tay vào triển khai DĐĐT, Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành Văn bản số 29/HD-SNN hướng dẫn quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố không đề cập đến việc hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo DĐĐT cấp xã và Tiểu ban DĐĐT tại các thôn, việc giao ruộng tại thực địa là kết quả bốc thăm. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, khi người dân đã canh tác ổn định trên thửa đất của mình sau dồn đổi, việc thực hiện các yêu cầu trên khi cấp lại sổ đỏ rối rắm và khó thực hiện…
Để tháo gỡ những bất cập trên, trong thời gian tới, thành phố cần ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cho công tác cấp lại sổ đỏ sau DĐĐT, bởi chính quyền các xã không đủ kinh phí, nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này. Mặt khác, cần bố trí cán bộ thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương kịp thời tháo gỡ, xử lý mọi vướng mắc có liên quan để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận…
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới