Cặp hiện tượng: bất động sản sốt giá và ngân hàng suy sụp

Cập nhật 27/11/2008 09:35

Có thể dễ dàng nhận thấy hiện tượng ngân hàng gặp khó khăn sau mỗi giai đoạn bất động sản sốt giá. Tại các nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào ngân hàng do thị trường vốn chưa phát triển cao – như Việt Nam hiện nay và Thái Lan năm 1997, cặp hiện tượng này dễ thấy và chu kỳ ngắn hơn

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 1.11.2008, ông Nguyễn Đồng Tiến, phó thống đốc ngân hàng Nhà nước cho biết: “Cuối tháng 9.2008, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 115.000 tỉ đồng (gần 6,9 tỉ USD), tương đương 9,15% tổng dư nợ và ở dưới mức 10% như vậy là tương đối an toàn, và còn thấp hơn so với năm 2007 là 11%”.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Nguyễn Văn Giàu, thống đốc ngân hàng Nhà nước xác nhận: “Vừa qua các ngân hàng có mạnh tay cho vay bất động sản và chúng tôi có chấn chỉnh kịp thời”.

Trên trang web của bộ Xây dựng tuần rồi có tin bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, do có những đặc điểm khác so thị trường Mỹ và chưa có khung pháp lý về “chứng khoán hoá” bất động sản nên các ngân hàng không phát hành trái phiếu cho bất động sản thế chấp, nên chưa có những rủi ro do “chứng khoán hoá” bất động sản gây nên. Dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này vẫn nằm trong phạm vi an toàn.

Những thông tin trên có nghĩa là, tình hình dư nợ của lĩnh vực bất động sản năm 2008 thấp hơn năm 2007 và vẫn còn tương đối an toàn. Và vì những đặc thù riêng của cơ chế điều hành vĩ mô và cơ cấu thị trường bất động sản Việt Nam cho nên hiện tượng vỡ nợ lớn và tạo nên làn sóng vỡ nợ bất động sản hiện vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát.

Sau sốt giá bất động sản là sự cố ngân hàng


Suốt 40 năm qua, trên thế giới, cặp hiện tượng này luôn kề cận nhau.

Giữa thập niên 80 tại Mỹ, hệ quả của logic “ai làm nấy chịu” là 747 định chế tiết kiệm và cho vay phải giải thể. Đầu thập niên 90 tại Nhật, hàng nghìn công ty xây dựng và bất động sản bị giải thể, nhiều ngân hàng lớn bị thua lỗ rất lớn và mất vai trò ngân hàng lớn nhất thế giới. Cuối năm 1997, tại Thái Lan, hầu hết các công ty tài chính bị giải thể hoặc sáp nhập và những ngân hàng lớn phải co cụm lại. Giờ đây, nhiều ngân hàng lớn và thâm niên thuộc loại top 10 của Mỹ đã không còn và nhiều ngân hàng lớn tại châu Âu cũng như vậy.

Ngân sách nhà nước tại các quốc gia trên cũng gánh trả theo logic “quýt làm cam chịu”, nhưng là trả sau. Ngoài ra, đa số người dân bình thường và nhất là những gia đình mới, có nhu cầu thật sự về nhà ở, đã không thể trả nổi mức tăng giá quá cỡ. Điều này không những đã thu hẹp sức phát triển kinh tế nhà ở, còn làm méo mó sự phát triển tự nhiên của nếp sống gia đình mới. Ngân sách Nhà nước đã phải chính thức hoặc âm thầm gánh trả qua phần thất thu thuế. Và quỹ dự trữ quốc gia cũng bị bào mòn bởi đầu tư (đầu cơ) ở thị trường bất động sản và sự mạnh tay tài trợ của hệ thống ngân hàng cho thị trường này.

Giải pháp tại Việt Nam


Tại Việt Nam, cơn hạn hán tín dụng vì lạm phát âm thầm từ năm 2005, cộng hưởng với giá trị bất động sản được thổi phồng suốt hai năm 2006 và 2007, giá bất động sản giảm 40 – 60% từ đầu năm và sẽ phải giảm thêm. Không quá khó để nhận thấy cặp hiện tượng kể trên.

Giải pháp ngắn hạn và trước mắt là phải ổn định hệ thống các định chế tài chính và ngân hàng. Không và chưa nên cho phép áp dụng giải pháp tại Mỹ và châu Âu với bất cứ một ngân hàng nào – tuyên bố kiểm soát đặc biệt, sáp nhập với ngân hàng khác. Chuyển thành ngân hàng quốc doanh, giải thể, giải pháp này đồng nghĩa với ngân sách nhà nước phải trả giá.

Giải pháp trung và dài hạn, phải “tính sổ” lại với hệ thống các định chế tài chính và ngân hàng theo hướng lành mạnh hoá hệ thống – sáp nhập với ngân hàng tốt và mạnh hơn. Giải thể – đồng nghĩa với việc những định chế tài chính hoặc ngân hàng phải trả giá của cho những hành vi cố tình sai hoặc yếu kém trong hoạt động kinh doanh của họ.

Trong những bất định của đời sống kinh tế, nhất là một nền kinh tế còn đang mày mò tìm những điểm tựa bền vững như chúng ta, thì tính ổn định là cần thiết. Chính sách ổn định càng thiết yếu hơn đối với hệ thống các định chế tài chính và ngân hàng.

Thiết nghĩ, cấp điều hành vĩ mô không cần phải tránh né, mà cần có cái nhìn và nhận định thực tế và dứt khoát hơn về cặp hiện tượng rất thật này. Về phần hệ thống ngân hàng, trước hết, để giảm thiểu điều tai hại cuối cùng (giải thể hoặc bị sáp nhập), mỗi một ngân hàng phải lập tức nhận thức lại cái thực tại của mình cho dù rất đau đớn để còn cơ may tồn tại và phát triển bền vững hơn sau năm 2010.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị