Cấp “giấy hồng” mới: Vẫn phải xài bản vẽ 207

Cập nhật 01/12/2007 15:00

Ngày 29/11, Sở Xây dựng TP.HCM đã họp giao ban với các quận, huyện, sở, ngành liên quan về tình hình cấp “giấy hồng” mới trong thời gian qua.

Trong quá trình cấp giấy, vướng mắc được bàn bạc nhiều nhất vẫn là bản vẽ, “giấy trắng” và nhân sự

Không được bắt dân điều chỉnh bản vẽ

Về bản vẽ, Sở Xây dựng khẳng định không bỏ bản vẽ lập theo Quyết định 207 về cho phép tồn tại công trình xây dựng sai phép, không phép trước ngày 1 - 7 - 2004. Các quận, huyện phải sử dụng bản vẽ 207 để thể hiện trên “giấy hồng” mới, không được yêu cầu người dân tự vẽ lại hoặc thuê các đơn vị tư vấn đo vẽ lại.

Nếu bản vẽ này chưa phù hợp để cấp giấy thì quận, huyện tổ chức điều chỉnh bản vẽ. Về chi phí điều chỉnh bản vẽ, các quận, huyện nghiên cứu tình hình thực tế tại địa bàn để đề xuất mức bồi dưỡng cho cán bộ thụ lý.

Như quận Gò Vấp trả cho công ty đo vẽ 50.000 đồng/hồ sơ để họ vẽ lại bản vẽ cho người dân. Quận Tân Phú giao cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường vẽ lại với giá 20.000 đồng/hồ sơ. Sở Xây dựng cho biết sẽ đề xuất với TP chấp thuận những cách giải quyết linh động này.

“Giấy trắng”: Hai sở hai cách hiểu

Theo Nghị định 84 ngày 22 - 5 - 2007, đến hết năm 2007, “giấy trắng” không được tiếp tục giao dịch. Do đó ở nhiều quận, huyện số lượng hồ sơ xin cấp đổi “giấy trắng” sang “giấy hồng” mới rất lớn.

Quyết định 54 của TP quy định “giấy hồng” cũ vẫn được phép giao dịch, còn “giấy trắng” thì không thấy đề cập đến. Sở Xây dựng nhận định “giấy trắng” khi chuyển dịch sở hữu phải đổi luôn sang “giấy hồng” mới.

Sở Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng “giấy trắng” vẫn được đăng bộ bình thường, muốn đổi sang “giấy hồng” mới hay không là do nhu cầu của người dân. Do hai sở hiểu khác nhau, hướng dẫn khác nhau nên các quận, huyện giải quyết vấn đề này không thống nhất. Sở Xây dựng cho biết đã gửi công văn báo cáo TP xin chỉ đạo về “giấy trắng”.

Tuyển thêm nhân sự quá khó

Cuối tháng 10 - 2007, TP.HCM có công văn số 7325 nhắc nhở chủ tịch UBND quận, huyện không được viện lý do nhân sự, thiếu kinh phí để kéo dài thời gian cấp “giấy hồng”. Các quận, huyện cho biết họ vẫn gặp khó khăn về nhân lực giải quyết hồ sơ dù đã cố gắng tuyển dụng thêm.

Quận 1 cho biết đang cần tuyển năm kỹ sư, kiến trúc sư, nhưng không biết kiếm đâu ra người vì lương quá thấp, áp lực làm việc lại lớn. Đại diện quận Bình Thạnh cũng thừa nhận hơn ba tháng qua quận này đã thông báo tuyển dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin với mức lương từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng, nhưng cũng chỉ nhận được một, hai hồ sơ. Chưa kể không ít trường hợp vào thử việc rồi lặng lẽ nghỉ luôn.

Sở Xây dựng cho biết Sở Tài chính đã có dự thảo hướng dẫn cho phép các quận, huyện tự quyết định các mức chi phí trong khả năng cân đối từ nguồn thu lệ phí cấp giấy. Sở Xây dựng đề nghị các quận, huyện tùy tình hình mà đề xuất để sở báo cáo TP.

Đến ngày 15 - 9, lượng hồ sơ xin cấp “giấy hồng” mới tại TP.HCM là hơn 66.000 hồ sơ. Trong đó nhận nhiều hồ sơ nhất là quận Tân Phú (gần 10.000 hồ sơ), quận Bình Thạnh (gần 7.000 hồ sơ), quận Tân Bình (6.000 hồ sơ)... Huyện Hóc Môn nhận được ít hồ sơ nhất (62 hồ sơ).

Riêng huyện Cần Giờ không nhận được hồ sơ nào do huyện dự định sẽ triển khai cấp giấy đại trà. Quận Tân Phú là nơi cấp được nhiều giấy chứng nhận nhất (hơn 5.000 giấy), kế đến là các quận Thủ Đức, Tân Bình...



Theo Pháp Luật