Cấp Giấy chứng nhận QSHNƠ và công trình xây dựng tại Quảng Ninh: Vẫn còn nhiều bất cập

Cập nhật 20/12/2007 10:00

Thành phố Hạ Long là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Nghị định 95/CP của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) và công trình xây dựng.

Để triển khai tốt Nghị định 95, thành phố đã ban hành quy trình cấp giấy; cử cán bộ đi dự các lớp tập huấn do Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng tổ chức. Đồng thời tổ chức tập huấn tới cán bộ các phường, xã và các cơ quan chức năng; thông báo cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, từ khi bắt đầu triển khai (15.7.2007) đến nay hơn 5 tháng nhưng mới có gần 200 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy, trong đó thành phố đã cấp khoảng 100 trường hợp, đạt 50% hồ sơ cần cấp.

Lý giải điều này ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị cho rằng: Nhiều người dân vẫn chưa mặn mà lắm với việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở vì vẫn còn tâm lý trông chờ Nhà nước quyết định cho sử dụng “một giấy” hay “hai giấy”.
 
Đối với những trường hợp đã nộp hồ sơ về Phòng QLĐT nhưng chưa cấp sổ hồng được một phần do hồ sơ mới nộp, phần vì hồ sơ còn thiếu (chưa làm thủ tục tạo lập tài sản: hồ sơ thiết kế xây dựng...). Theo quy định thời gian cấp “sổ hồng” là 30 ngày khi hồ sơ đầy đủ.

Trên thực tế hiện nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì bắt buộc nhưng “sổ hồng” thì chưa. Chỉ khi nào người dân có nhu cầu chuyển nhượng mới bắt buộc phải có “sổ hồng”.

Bà Nguyễn Thị Bích, phường Hồng Hải bày tỏ: “Nếu cấp sổ đỏ cho đất và sổ hồng cho nhà, vậy khi tôi muốn bán nhà thì phải gõ đến hai “cửa”. Như vậy đơn giản thủ tục hay đẻ thêm thủ tục? Trong khi trước đây với giấy hồng cũ (theo Nghị định 60/CP), người dân chỉ công chứng hợp đồng rồi đăng ký là xong.”
 
Ông Nguyễn Tiến Ba, phường Cao Xanh, TP Hạ Long cho biết: Tôi muốn chuyển nhượng căn nhà cho người em ở phường Hà Tu. Thế nhưng chưa dám làm thủ tục sang tên vì nghe đâu các Bộ vẫn còn đang tranh cãi về việc thống nhất giữa sổ đỏ, sổ hồng nên chờ khi nào ổn làm luôn cho đỡ tốn công đổi đi đổi lại.

Có thể nói hiện nay sự tồn tại song song hai hệ thống giấy chứng nhận khác nhau như sổ đỏ và sổ hồng đang tạo ra những bất hợp lý. Bởi hai hệ thống giấy này do hai ngành khác nhau quản lý (Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng) thực hiện theo hai quy trình khác nhau gây phiền phức không chỉ cho người dân mà còn thể hiện sự chồng chéo công việc trong hệ thống quản lý Nhà nước.

Đơn cử một doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở sau khi được bàn giao đất, cho thuê đất sẽ phải xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đây là công cụ để công nhận quyền đối với đất và nhà đầu tư cần có để thế chấp tại ngân hàng vay vốn đầu tư. Sau khi xây nhà xong phải chạy vạy thay sổ đỏ bằng sổ hồng.

Do hai sổ được cấp theo hai hệ thống quản lý khác nhau sẽ xảy ra trường hợp người ta có thể đăng ký ở hệ thống này mà không đăng ký ở hệ thống kia hoặc đăng ký ở cả hai hệ thống. Hơn nữa Luật Nhà ở nói rằng, việc đăng ký để cấp sổ hồng là không bắt buộc, trong khi Luật Đất đai quy định việc cấp sổ đỏ là bắt buộc vì đó là việc Nhà nước phải xác định ranh giới thửa đất.
 
Như vậy tình trạng một sổ cũng có, hai sổ cũng có. Được biết ngay từ khi Nghị định 60/CP ra đời (Nghị định đầu tiên quy định về cấp sổ hồng), phức tạp trong quản lý đã nảy sinh. Bởi cấp sổ gì thì cũng bắt đầu từ hồ sơ địa chính, đó là lý lịch của thửa đất mà hồ sơ địa chính không chỉ dùng để cấp sổ mà còn dùng vào mọi nghiệp vụ trong quản lý đất đai như quy hoạch sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất. Hai cơ quan thụ lý cấp sổ phải có hai hệ thống hồ sơ địa chính, như vậy là rất lãng phí.

Được biết các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã ghép nhà và đất vào một tổ chức là Sở Địa chính - Nhà đất để thuận tiện cho việc cấp “sổ hồng”.

Đối với tỉnh Quảng Ninh thì cơ quan quản lý nhà đất chưa có, trong khi đó 2 Phòng: Quản lý Đô thị; Tài nguyên và Môi trường có chức năng khác nhau nên việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và công trình xây dựng cho người dân vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được giải quyết.

Theo Bộ TN - MT