Nhà, đất có giấy chủ quyền trắng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hoặc quyền sử dụng đất được cấp qua các thời kỳ) khi mua bán có thể làm thủ tục trực tiếp chuyển chủ quyền trên giấy cũ hay phải lập hồ sơ xin cấp đổi sang giấy hồng? Thắc mắc trên của người dân ở các quận huyện đã được hai sở phụ trách lĩnh vực này của TP.HCM hướng dẫn theo hai cách… tréo ngoe!
Tréo ngoe!
Đầu tháng 9 - 2007, sau khi sang nhượng lại căn nhà số 161A/5 đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, bà Lê Thị Kim Oanh cũng không ngờ mình sẽ gặp phải rắc rối. Nguyên nhân, bà Oanh đã mua phải căn nhà giấy chủ quyền “trắng”.
Cứ nghĩ sau khi công chứng mua bán, đóng thuế trước bạ là được sang tên chủ quyền. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ chuyển quyền sở hữu tại UBND quận thì cán bộ ở đây lắc đầu và đề nghị phải làm theo quy trình mới - xin cấp đổi giấy chứng nhận QSHNƠ & QSDĐƠ (giấy hồng) cho căn nhà trên theo hướng dẫn tại Quyết định 54 của UBND TP (về hướng dẫn cấp giấy chứng nhận QSHNƠ & QSDĐƠ). Thời gian sẽ mất đến 1 tháng rưỡi thay vì chỉ 5 ngày như thủ tục sang tên.
Không đồng ý cách làm trên, bà Oanh đến Trung tâm thông tin Tài nguyên Môi trường và Đăng ký nhà đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN - MT). Tại đây, ông Đoàn Thành, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, trường hợp của bà đủ điều kiện sang tên trên giấy “trắng”, sau đó nếu có nhu cầu thì cấp đổi sang giấy hồng, không nhất thiết phải đổi trước. Để tạo điều kiện cho bà Oanh, Sở TN - MT còn gửi cho quận 11 công văn hướng dẫn đề nghị giải quyết cho bà được đăng ký chuyển quyền sở hữu trên giấy “trắng” trước, sau đó sẽ xin cấp đổi giấy hồng sau.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Tâm, Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ hành chính công quận 11 cho rằng: “Chúng tôi không thể xử lý theo hướng dẫn của Sở TN - MT. Nếu bà Oanh muốn sang tên thì phải thực hiện xin cấp đổi giấy hồng hoặc phải chờ chỉ đạo mới”. Bà Tâm còn cung cấp văn bản của Sở Xây dựng TP trả lời cách xử lý cụ thể trường hợp này: “Không được thực hiện việc đăng ký thay đổi chủ mới trên các chứng từ sở hữu nhà, đất của chủ cũ mà phải lập thủ tục cấp giấy hồng”!
Mỗi sở một kiểu!
Sau trường hợp của bà Oanh, Sở TN-MT TP đã có công văn số 8645 (15-10-2007) gửi các quận, huyện để hướng dẫn việc đăng ký chuyển quyền sở hữu đối với nhà, đất có giấy “trắng”. Cụ thể, đề nghị UBND quận, huyện chỉ đạo phòng ban tiếp tục thực hiện thủ tục sang tên như trước đây cho các trường hợp có giấy “trắng” đến hết 31 - 12 - 2007.
Trong thời hạn trên, nếu người nhận chuyển quyền có yêu cầu cấp giấy hồng thì làm thủ tục xin cấp đổi, còn không vẫn thực hiện theo quy trình cũ. Giải thích về điều này, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc trung tâm, cho biết qua nghiên cứu Quyết định 54, không có quy định buộc phải đổi giấy ngay. Còn “Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ” của Sở Xây dựng TP mà quận huyện đang áp dụng lại không có giá trị pháp lý. Do vậy, để tránh việc hạn chế quyền lợi hợp pháp của người dân (giấy tờ hợp lệ về nhà, đất do các cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây), Sở TN - MT đề nghị vẫn áp dụng quy trình cũ.
Cũng theo một cán bộ Sở TN - MT, trong lúc việc tổ chức thực hiện cấp giấy hồng chưa đáp ứng nhu cầu, với cách này sẽ thuận lợi cho người dân và cán bộ, vì rút gọn thời gian hơn 60% so với quy trình của Sở Xây dựng. Tuy vậy, một cán bộ quận Bình Tân lại lo lắng rằng nếu áp dụng theo Sở TN-MT, sau này cấp đổi lại tốn thời gian một lần nữa.
Đề cập cách giải quyết này với Sở Xây dựng, thì một lãnh đạo ở đây khẳng định: “Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ của sở đã ghi rõ: “Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ (mua bán, tặng cho, đổi, nhận thừa kế…) thì không thực hiện đăng ký chuyển đổi sở hữu trên giấy tờ cũ nữa mà người dân phải lập thủ tục cấp giấy hồng theo quy định”! Theo quận 11, cách của Sở Xây dựng là xử lý “cuốn chiếu” những giấy trắng còn tồn tại theo hướng thống nhất, sau này dễ cho công tác quản lý mà người dân cũng không phải cấp đổi lại.
UBND TP đã trao quyền chủ động cho các quận, huyện cố gắng cải tiến thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà cho dân. Thế nhưng, bản thân các quận huyện cũng không biết phải áp dụng cách nào hiệu quả nhất. Nếu theo hướng dẫn của Sở TN-MT, thời gian sang tên trên chủ quyền được rút ngắn, người dân sẽ nhanh chóng đưa bất động sản của mình cho thuê, thế chấp, góp vốn…
Tuy nhiên, với giấy chủ quyền “trắng”, sau này vẫn phải xin cấp đổi sang giấy hồng thống nhất. Nếu theo cải tiến của Sở Xây dựng, dù phù hợp với pháp luật, thống nhất về giấy tờ, nhưng thời gian làm thủ tục kéo dài, gây thiệt hại cho người dân khi muốn đưa ngay bất động sản hoạt động kinh tế. Về mặt pháp luật họ đã sở hữu nhà, đất nhưng thực tế trên giấy tờ vẫn chưa được thừa nhận!
Lẽ ra, những thủ tục rườm rà, phức tạp trong việc cấp đổi giấy chủ quyền “trắng” như hiện nay sẽ không có nếu các cơ quan quản lý nhà, đất chịu ngồi lại với nhau để bàn ra một giải pháp thống nhất. Đơn cử như, với người dân có chủ quyền giấy trắng thì có thể cấp đổi với thời gian ngắn nhất để họ nhanh chóng đưa vào sử dụng theo nhu cầu. Đồng thời có thể đổi sang mẫu giấy hồng (thống nhất), bỏ qua các công đoạn thủ tục phức tạp, rườm rà khác vì những giấy trắng này bản thân nó cũng đã hợp lệ.
Trong khi đó, đến nay, TP vẫn còn phản ứng quá chậm chạp trong việc ban hành các hướng dẫn thống nhất để xử lý vấn đề này, giải tỏa nỗi khổ cho người dân và cho các quận huyện.
Theo Sài Gòn Giải Phóng