Cao tốc Nội Bài - Lào Cai nứt do địa chất hay thi công?

Cập nhật 26/09/2014 14:41

Địa điểm bị nứt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai nằm trong gói thầu về đích muộn, bị đốc tiến độ và về đích sát ngày thông xe. Chủ đầu tư cho rằng, dù đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo quy trình và việc sớm đưa công trình vào khai thác.

Minh họa: Khều

Hai bộ cùng vào cuộc

Cho đến ngày 25/9, nguyên nhân của những vết nứt tại Km 83 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn chưa được cơ quan chức năng đưa ra. Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cho hay, dù tổ công tác đã khảo sát hiện trường và tìm hiểu hồ sơ vụ việc, nhưng chưa có kết luận chính thức.

“Để đưa ra các đánh giá chính xác, chúng tôi sẽ chờ kết quả khoan thăm dò của các đơn vị” - ông Hùng nói.

Trong công văn gửi Bộ GTVT và Tổng Cty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC - chủ đầu tư) hôm qua, ông Ngô Lâm - Phó Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đề nghị tiếp tục tiến hành các biện pháp để tìm hiểu nguyên nhân. Bộ Xây dựng đồng thời đề nghị các địa phương dọc tuyến tiếp tục theo dõi toàn tuyến.

“Khi đưa dự án vào khai thác, chúng tôi đã so sánh lợi ích giữa việc đợi hết lún và lợi ích kinh tế - xã hội nếu đưa tuyến đường vào khai thác sớm”.

Phó Tổng GĐ VEC Lê Kim Thành
 

Đáng lưu tâm là, điểm bị nứt một thời gian dài nằm trong danh sách đen về chậm tiến độ của toàn dự án. Nguyên nhân do nhà thầu chính - Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) không chịu chi tiền trả cho các nhà thầu phụ. Để khắc phục, lãnh đạo Bộ GTVT từng phải ra tối hậu thư cho đơn vị này (nếu không chuyển tiền sẽ hủy hợp đồng).

Trả lời câu hỏi, liệu có phải sự cố xảy ra do bị ép tiến độ, Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh khẳng định: Không có việc đổi chất lượng lấy tiến độ vì các biện pháp thi công đều đảm bảo đúng quy trình.

Ông Lê Kim Thành, Phó Tổng GĐ VEC, trực tiếp chỉ huy thi công tuyến đường nói: “Chúng tôi rút ngắn tiến độ bằng việc tăng cường máy móc, nhân lực chứ không phải bỏ qua các quy trình”.

Cán bộ phụ trách gói thầu này của VEC cũng cho rằng, hiện tượng nứt có nguyên nhân từ nền đường và nền đường đã làm từ đầu, không thuộc giai đoạn bị thúc tiến độ do thiếu vốn sau này.

Ngoài ra, ông Lê Kim Thành cho rằng, điểm bị nứt nằm trong khu vực đầm lầy, đã được xếp vào điểm theo dõi lún. Nghĩa là dù đường thông xe, điểm này sẽ vẫn phải tiếp tục xử lý.
 

Hiện trường vết nứt đã được xử lý tạm

Điều khiển được độ lún nếu nhiều tiền

PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nói rằng: Nếu cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn toàn thực hiện được và công trình có chất lượng cao một khi ứng dụng tiến bộ khoa học và cần có chi phí.

PGS.TS Trần Chủng đồng tình quan điểm của VEC đưa ra khi cho rằng, nguyên nhân sâu xa của sự cố tại cao tốc Nội Bài – Lào Cai là các yếu tố địa chất. Ông so sánh đoạn đường bị nứt được đắp cao 9m trên túi bùn tương đương với việc nền đất chịu sức nặng của một căn nhà 5 tầng. Tuy nhiên, khi xây nhà luôn có móng, trường hợp đắp đất làm đường thì không. Vì thế, đường bị nứt khi nền đất lún không đều.

“Với các công nghệ xử lý nền đất yếu, chúng ta hoàn toàn có thể “điều khiển” được tốc độ và độ lún. Điều quan trọng là, chúng ta phải hiểu được nền đất và đối tượng công trình bên trên để chọn giải pháp thích hợp. Ví dụ, nếu yêu cầu dừng lún triệt để phải có giải pháp đắt hơn. Còn nếu để nền đất cố kết tự nhiên, theo các chuyên gia địa kỹ thuật có thể kéo dài năm, sáu chục năm” – PGS.TS Trần Chủng nói.

Trước đó, thông tin chính thức của VEC đưa ra cho biết, biện pháp xử lý lún được áp dụng là thay đất một phần với chiều sâu từ 4,5 - 6,5m.

Trước mắt, nếu các vết nứt này không được sớm khắc phục sẽ gây thẩm thấu nước xuống các lớp móng và nền đường, sẽ gây hại cho đường nghiêm trọng.

Hiện tại, VEC cho biết, đã tiến hành trám lại các vết nứt để tránh ngấm nước vào nền đường. Việc khoan để đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục cũng sẽ được tiến hành và công bố công khai.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong