Cao tốc chạy nước rút để kịp thông xe

Cập nhật 26/04/2013 11:43

Hai tuyến cao tốc trọng điểm của khu vực phía Bắc là Hà Nội - Thái Nguyên (QL3 mới) và Nội Bài - Lào Cai đang trong những ngày nước rút, thi công sôi động nhất để kịp thông xe đưa vào khai thác toàn tuyến.

QL3 mới: Đếm ngược thời gian

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ tăng cường năng lực giao thông cho QL3 cũ đang quá tải, đồng thời góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế - xã hội giữa Hà Nội với Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Được khởi công từ cuối năm 2009, sau khoảng thời gian dài thi công ì ạch và không đáp ứng được yêu cầu, gần đây đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu phải dồn sức đẩy mạnh thi công để dần lấy lại tiến độ đã mất. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, cuối tháng 6/2013 dự án phải thông xe đưa vào khai thác hơn 29km qua địa phận Thái Nguyên. Còn lại các đoạn qua Bắc Ninh và Hà Nội hoàn thành nốt trong năm 2013.


Thi công thảm mặt đường QL3 mới

Với tiến độ này, toàn bộ dự án, đặc biệt là gói thầu qua Thái Nguyên chỉ còn lại khoảng 70 ngày và đang đếm ngược thời gian để về đích. Mới đây, vào cuối tháng 4/2013, đại diện chủ đầu tư Ban quản lý dự án 2 và các nhà thầu đã tiến hành ký cam kết và phát động phong trào thi đua nước rút để đảm bảo kế hoạch thông xe.

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2, trong suốt thời gian qua, đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu đã rất nỗ lực thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng. “Để sớm giải tỏa áp lực cho QL3 cũ nên Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu thi công gấp rút, đưa đoạn qua Thái Nguyên thông xe và khai thác trước. Đoạn còn lại qua địa phận Hà Nội và Bắc Ninh sẽ thông xe  vào cuối năm 2013. Thời điểm 30/6 đã cận kề, chính vì vậy Ban quản lý dự án 2 yêu cầu các nhà thầu tập trung với nỗ lực và nguồn lực cao nhất, thi công 3 ca, 4 kíp liên tục để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình”- ông Long đề nghị.

Khẳng định ý nghĩa của việc thông xe sớm hơn 29km của gói thầu PK2 với Thái Nguyên nói riêng và các địa phương phía Bắc nói chung, ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong suốt những năm qua, lãnh đạo và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã rất quyết tâm trong việc giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Thái Nguyên là địa phương bàn giao mặt bằng sớm nhất và rất mừng khi được thông xe, đưa vào khai thác đoạn đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh đầu tiên. “QL3 mới đi vào khai thác sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm tải cho QL3 cũ đang quá tải, ùn tắc và thường xuyên xảy ra TNGT, đồng thời thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Bắc”- ông Thuần nhấn mạnh.

Nội Bài - Lào Cai: Nhiều tín hiệu tích cực

Cũng nằm trong kế hoạch thông xe trong năm 2013, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang phải chạy đua với thời gian để “thúc” tiến độ các gói thầu, đặc biệt là 2 điểm “nóng” A4 và A5 do nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) thi công đang rất chậm. Dù những tháng gần đây, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư tăng cường thêm nhiều nhà thầu mạnh cho công trường, tiến độ các gói thầu này có được đẩy nhanh hơn trước, nhưng so với kế hoạch ban đầu vẫn chưa đảm bảo yêu cầu.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các nhà thầu không lùi thời hạn hoàn thành. Chủ đầu tư điều chuyển bớt khối lượng của các đơn vị làm chậm, ứng thêm vốn, đồng thời tháo gỡ cơ chế chính sách để các nhà thầu dốc sức thi công. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng, thuộc hành lang Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông nên việc thông xe đúng kế hoạch sẽ mang lại hiệu quả to lớn. Cuối 2013 là thời điểm “chốt” để tuyến đường thông xe, đưa vào khai thác, Bộ GTVT sẽ không nhân nhượng bất cứ nhà thầu nào hoàn thành chậm.

Một tín hiệu tích cực đến với tuyến cao tốc trọng điểm này khi cuối tháng 4/2013, hạng mục đặc biệt quan trọng đối với dự án là 530 mét đường hầm xuyên núi thuộc gói thầu A6 đã được khai thông. Hầm được xây dựng với chiều cao 9m, rộng 14,5m, mặt đường bê tông nhựa. Theo ông Kim Min Jae - Giám đốc Dự án nhà thầu Doosan (Hàn Quốc), quá trình thi công hầm gặp rất nhiều khó khăn do địa chất phức tạp. Tuy nhiên, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời đảm bảo tiến độ và an toàn tuyệt đối.

Trước đó, theo chủ đầu tư VEC, các đơn vị thi công cũng thông được hầm chui QL2, hợp long cầu Sông Lô và cầu Sông Hồng. Đây là những dấu mốc quan trọng khẳng định sự quyết tâm của chủ đầu tư và các nhà thầu để hoàn thành dự án đúng tiến độ vào cuối 2013 theo yêu cầu của Bộ GTVT.

DiaOcOnline.vn - Theo Giao Thông Vận Tải