"Thiết kế một đô thị mới đầy rẫy nhà cao ốc chen nhau là bóp chết văn hóa sống thân thiết của người Việt" - ý kiến một bạn đọc.
Không nên trở lại bệnh dị ứng về nhà cao tầng
Trong những lúc gần đây, có nhiều tin về các khu đô thị mới được đầu tư và quy hoạch bởi các công ty Hàn Quốc. Chúng ta được thấy những tấm ảnh quy hoạch có rất nhiều nhà chọc trời và chung cư cao ốc, trông rất hiện đại và hoành tráng, và có vẻ giống thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Nhưng có ai tự hỏi: “Tại sao tự nhiên mình lại ôm chầm lấy cái quy hoạch đầy nhà cao tầng ấy?”
Hoặc thắc mắc: “Những người đã từng sống trong các tòa nhà như thế ở Hàn Quốc có thích khung cảnh sống của họ không?”
Hay: “Các tòa nhà cao ốc khổng lồ như thế có thích hợp với khí hậu và phong cách văn hóa sống của người Việt hay không?”
Trước nhất, chúng ta không nên trở lại bệnh dị ứng về nhà ở cao tầng. Ta phải xác định là nhà cao tầng, nếu thiết kế tốt, là một phần cần thiết trong cuộc sống của chúng ta, vì đó là một cách sử dụng đất hữu hiệu.
Tuy nhiên, nhà cao tầng có nhiều loại và mật độ nhà cao tầng cần phải có mức độ vừa phải. Tư duy nhà cao tầng của Hàn Quốc là làm … nhan nhản, làm khu đô thị mới trông như một rừng cây xi măng, xây kín mít bằng kính. Khí hậu ở Hàn Quốc rất khắc nghiệt trong mùa đông. Lạnh vô cùng.
Vì thế, họ thiêt kế nhà ở cao tầng kín mít để tránh gió lạnh. Ngược lại, đa số chúng ta sống trong khí hậu nhiệt đới, cần gió thoáng khí. Các nhà cao tầng ở các xứ nhiệt đới như Singapore, Mã Lai, Thái Lan đều rất thoáng mát và có xen kẽ với khu nhà thấp tầng hoặc villa.
Rừng cây xi măng và kính đã không còn thích hợp?
Sự hài hòa xen kẽ giữa cao tầng, thấp tầng và nhà vườn tạo nên một cộng đồng dân cư có người già, người trẻ, độc thân, có con nhỏ … vì tất cả đều có nhu cầu diện tích và phong cách ở khác nhau. Không phải cấp tuổi nào cũng có thể chui vào một căn hộ cao ốc được.
Thêm vào đó, người Việt có cái hay là có nếp sống cộng đồng cao. Chúng ta “bán họ hàng xa, mua láng giềng gần.” Thiết kế một đô thị mới đầy rẫy nhà cao ốc như kiểu Hàn Quốc là bóp chết văn hóa sống thân thiết của người Việt.
Cuối cùng, chính những người Hàn Quốc cũng không còn thích lối sống trong “rừng cây xi măng và kính” nữa. Các kiến trúc sư hàng đầu của Hàn Quốc cũng đã chỉ trích tình trạng quá độ của các khu đô thị đầy tòa nhà cao ốc của quôc gia họ. Trong khi đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn tiếp tục “xuất khẩu” tư duy thiết kế đô thị đã lỗi thời của họ sang Việt Nam.
Ta nên cẩn thận. Có nên tìm hiểu thêm tư duy thiết kế của các quốc gia khác hoặc các nhà đầu tư khác?
Theo TuanVietNam