Cảnh u ám trong trường 20 tỷ bỏ hoang ở Sài Gòn

Cập nhật 05/10/2017 13:36

Sau nhiều năm bị bỏ hoang do sụt lún, ngôi trường trị giá 20 tỷ đồng nằm trên địa bàn quận 6, TP.HCM rơi vào cảnh hoang tàn.


Trường Tiểu học Phú Định (hay còn gọi là trường Trần Văn Kiều) nằm trên đường Vành Đai, phường 10, quận 6 được đưa vào sử dụng năm 2004 với kinh phí xây dựng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2008, ngôi trường rộng 6.500 m2, gồm 3 dãy nhà hai lầu với khoảng 40 phòng học và chức năng này phải đóng cửa cho đến nay.


Sau 4 năm đưa vào sử dụng, ngôi trường bắt đầu sụt lún nghiêm trọng gây nguy hiểm cho việc học tập của học sinh và thầy cô.


Các khoảng đất xung quanh bị lún, tách với phần nền các dãy nhà, tạo ra những khoảng lớn kéo dài.


Các bậc tam cấp trước sân trường hầu hết bị đổ sụp, lún xuống 30-50 cm.


Nhiều chỗ bị hở hàm ếch rộng hơn 30 cm. Trước hiện trạng trên, UBND quận 6 giao ban quản lý dự án sửa chữa, khắc phục công trình.


Tuy nhiên, phần nền, móng các dãy nhà bị sụt lún với tốc độ càng trầm trọng khiến nhiều kết cấu phía trên của ngôi trường bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào.


Trước thực trạng trên, từ đầu năm 2010, UBND quận 6 ra quyết định chuyển toàn bộ học sinh tại trường tiểu học Phú Định sang học tạm tại trường THCS Nguyễn Văn Luông cách đó 2 km.


Từ đó đến nay, trường bị bỏ hoang. Sau nhiều năm vắng bóng người, khung cảnh bên trong ngôi trường trở nên hoang tàn, cây cỏ mọc um tùm.


Đến tháng 8/2010, UBND TP.HCM cho phép UBND quận 6 tạm ứng ngân sách để sửa chữa và thuê đơn vị tư vấn độc lập kiểm định, quan trắc toàn bộ công trình.


Sở Xây dựng được giao chủ trì xác định trách nhiệm, xử phạt và xử lý bồi thường đối với các đơn vị liên quan để thu hồi hoàn trả ngân sách quận 6 đã tạm ứng.


Hành lang trở nên nhếch nhác, nhiều vết vá tường chưa được sơn lại.


Các phòng học vẫn còn những dãy bàn ghế, mặt sàn đọng đầy nước mưa dột xuống, các bức tường xung quanh chi chít vết nứt và dấu tích sửa chữa.


Nhiều cuốn tập bị bỏ lại khắp các phòng, bụi bám kín sau nhiều năm đóng cửa che hẳn hình ảnh khang trang của ngôi trường khi mới được đưa vào sử dụng.


Tấm bảng rơi xuống, còn những bút tích cảnh báo của học sinh từng học tập nơi đây.


Một số phòng bị dột mái, nước chảy đầy mặt sàn khiến khung cảnh trở nên âm u đến rùng mình.


Phía trên mái, la-phông hành lang, phòng học nước thấm xuống lâu ngày làm hư nhiều chỗ, rêu mọc kín đen tường.


Hầu hết thiết bị điện, phòng cháy chữa cháy, lọc nước... đều bị hư hỏng hoàn toàn.


Khung cảnh hội trường với những chiếc bàn bị vứt chỏng chơ, mặt sàn đầy nước.


Bảng tuyên truyền 5 điều Bác Hồ dạy đã bị gỉ sét.


Các phòng thiết bị, dụng cụ học tập cũng bị bỏ lại sau khi học sinh chuyển sang địa điểm khác.


Sàn các phòng học tầng trệt được sửa chữa lại nhưng không thể sử dụng được.


Các khu nhà vệ sinh bụi bám đen kín nền, các thiết bị.


Thông qua đơn vị kiểm định độc lập, UBND quận 6 xác định số tiền để khắc phục sụt lún, hư hại gần 6,5 tỷ đồng. Các đơn vị sai sót phải chịu trách nhiệm đóng góp sửa chữa theo tỷ lệ. Tuy nhiên, sau một thời gian thi công sửa chữa, khắc phục ngôi trường vẫn chưa thể hoạt động trở lại và tiếp tục bị bỏ hoang cho đến nay.


Vị trí ngôi trường nằm giữa các tuyến đường vành đai số 52 - Trần Văn Kiều và số 54 (phường 10, quận 6). Ảnh: Google Maps.


DiaOcOnline.vn - Theo Zing