Cảnh giác với làn sóng người nước ngoài gom đất!

Cập nhật 18/10/2017 10:57

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng không vì lợi ích của các tập đoàn bất động sản mà nới lỏng quyền quản lý nhà ở đối với người nước ngoài.

Cảnh báo trên của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đưa ra tại buổi giám sát về tình hình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP HCM của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP vào sáng 18-10. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi giám sát.

Ông Nghĩa nhận định rằng không ít quốc gia có ý đồ xâm lấn thông qua kinh tế để sở hữu đất đai ở những vị trí đắc địa. Nhiều người nước ngoài vào mua nhà ở nước ta. Do đó, không nên vì lợi ích của các tập đoàn bất động sản mà nới lỏng quyền quản lý nhà ở đối với người nước ngoài.

"20 năm nữa chúng ta sẽ mất rất nhiều đất đai ngay chính trên đất nước của mình. Ở nước ngoài người ta rất hạn chế chuyện này. Kinh tế của chúng ta chưa phải là mạnh, trong khi đó, bên cạnh nước ta có nhiều nền kinh tế hùng mạnh nên càng phải cảnh giác. Nếu chúng ta nới lỏng, họ sẽ tận mua" – ông Nghĩa cảnh báo.


Đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa

Ông Nghĩa cũng nêu ra một thực tế đang gây nhức nhối hiện nay. Đó là những người có nhu cầu làm giấy chứng nhận hợp pháp thì bị chậm trễ, bị phiền nhiễu nhưng khi "bôi trơn", thông qua trung gian cò thì việc rất nhanh.

Theo ông Nghĩa, càng hội nhập thì người ta chờ đợi một đất nước tuân thủ pháp luật, nếu vi phạm luật trắng trợn thì người ta càng ngại ngùng. Nếu chậm và nương tay xử lý vi phạm với lý do này với lý do khác là khuyến khích người ta vi phạm. Quy luật trong pháp luật là phạm pháp là lây lan, là chuyện này nhảy sang chuyện kia.

Ông Nghĩa bức xúc: "Có những chuyện xảy ra sờ sờ ngay ban ngày cả. Điển hình như các công trình sai phép, xây công khai như thế, mọc cao lên như thế mà không hiểu sao không xử lý được". Theo ông, TP HCM phải xem xét các vấn đề đất đai một cách thật nghiêm túc.

Ông Nghĩa còn phản ánh thực trạng các bờ sông bờ biển đang bị tư nhân hóa. Sông Sài Gòn là của 10 triệu dân TP nhưng giờ thuộc sở hữu của một số người giàu, phá hỏng quy hoạch đô thị. Mơ ước bờ sông Sài Gòn là nơi sinh hoạt công cộng giờ càng xa. Ông Nghĩa cảnh báo TP đang quy hoạch Cần Giờ, coi chừng Cần Giờ lại giống như sông Sài Gòn. "Hiện tượng lấn sông báo chí nêu đầy, chính quyền đã xử lý sao rồi, dòng sông bị thu hẹp. Về chính sách không được, về mặt quy hoạch là bất công, địa tô này rơi vào một số nhóm mà đáng lý thuộc về nhà nước và cộng đồng" – ông Nghĩa nói.

Mua bán giấy tay ở địa bàn TP HCM khá lớn

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Trần Văn Thạch cho biết tính đến cuối năm 2013, TP đã cấp hơn 1 triệu giấy chứng nhận, cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp đủ điều kiện theo chỉ thị 1474 của Chính phủ. Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, khó khăn kéo dài, TP tiếp tục cấp hơn 113.000 giấy chứng nhận, đa số là trường hợp tồn đọng lâu năm.

Đối với cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, từ năm 2012-2015, TP đã cấp gần 5.000 giấy chứng nhận với tổng diện tích hơn 40.000 ha. "Hiện nay trên địa bàn TP, nhà, đất của các cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng đều đã được cấp giấy chứng nhận" – ông Thạch cho hay.

Ông Thạch cũng thông tin riêng 6 tháng đầu năm 2017, TP đã cấp 188.898 hồ sơ, đạt hơn 180% so với cùng kỳ đối với hộ gia đình, cá nhân; 10.895 hồ sơ, đạt 234,8% so với cùng kỳ đối với tổ chức.

Theo ông Thạch, trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, trên địa bàn TP còn 109.251 trường hợp tồn đọng, chưa được cấp giấy phép chứng nhận. Trong đó có 88.66 trường hợp không đủ điều kiện cấp có hơn 42% chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004. Đây là trường hợp chiếm tỉ lệ cao nhất không đủ điều kiện cấp.

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ