“Bóng ma” bong bóng BĐS vẫn còn rình rập khiến thị trường tiềm ẩn yếu tố rủi ro cần được cảnh báo sớm.
Mới đây, NHNN Việt Nam vừa đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT – NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Theo dự thảo mới, các TCTD chỉ được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn với tỷ lệ tối đa là 40% (trước đó là 60%).
Đồng thời, dự thảo cũng quy định các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản (BĐS) vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250% (thay vì 150% như trước kia).
Nếu không thận trọng vấn đề nợ xấu BĐS vẫn có thể sẽ lặp lại
|
Theo NHNN, việc giảm trần nhằm mục đích điều chỉnh tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn của từng khối theo lộ trình giảm dần. Điều này đảm bảo phù hợp với định hướng hạn chế cấp tín dụng trung dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản, giảm tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.
Đồng thời, với việc sửa đổi hệ số rủi ro từ 150% lên 250%, NHNN cũng muốn “phát đi tín hiệu” đối với thị trường và hệ thống ngân hàng trong kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này. Số liệu thống kê cho thấy dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS liên tục có sự tăng trưởng trong thời gian qua.
Đến cuối tháng 9/2015 dư nợ cho vay kinh doanh BĐS chiếm 8,05% tổng dư nợ tín dụng, tương ứng hơn 358.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS đạt gần 15%...
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (Horea), việc gia tăng tín dụng vào thị trường BĐS trong thời gian qua là bình thường do thị trường BĐS mới vừa phục hồi từ cuối năm 2013 cho đến nay, sau thời kỳ khủng hoảng đóng băng kéo dài.
Bên cạnh nguồn cung tín dụng, còn có nguồn kiều hối về TP. Hồ Chí Minh năm 2015 là khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó có khoảng 23% chuyển vào thị trường BĐS. Nhìn toàn cục thì hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc theo hướng tinh, mạnh, vững chắc hơn và hoạt động tín dụng của toàn hệ thống vẫn đang trong ngưỡng an toàn nên việc “hãm phanh” tín dụng BĐS lúc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
Tuy nhiên, khi bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cảnh báo rủi ro sớm đối với hệ thống ngân hàng trong lĩnh vực cho vay BĐS là cần thiết, bởi điều này đã từng xảy ra trong quá khứ và “bóng ma” bong bóng BĐS vẫn còn đang rình rập.
TS. Hiếu phân tích thêm, khi thị trường có dấu hiệu ấm dần lên, nhu cầu gia tăng tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực này. Ngoài vấn đề tăng trưởng tín dụng, biên lợi nhuận đối với lĩnh vực BĐS luôn hấp dẫn đối với các NHTM, nhưng nếu không thận trọng những gì xảy ra trước kia, nhất là vấn đề nợ xấu BĐS vẫn có thể sẽ lặp lại.
Nhận định về tình hình tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong năm qua, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tăng trưởng tín dụng nhìn chung trong năm qua ở mức hợp lý, đảm bảo hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Trong đó, tín dụng lĩnh vực BĐS tăng ở mức 12,7% do tín dụng tăng trưởng tập trung ở một vài dự án trọng tâm, có nguồn vốn tài trợ lên đến vài ba ngàn tỷ đồng/dự án.
Bên cạnh đó, trong năm qua khi nhu cầu thị trường ấm lên, một số NHTM cũng tăng cho vay đối với các chủ đầu tư, dự án cũng như người có nhu cầu sở hữu, sửa chữa nhà ở.
Tuy nhiên, ông Minh khẳng định, việc nâng hệ số hoàn toàn phù hợp với lộ trình giảm rủi ro của NHNN. Hiện mức tăng BĐS dù chưa xảy ra bong bóng trong ngắn hạn, nhưng đối với các khoản cho vay, tài trợ dự án cần được TCTD, NHTM thẩm định chặt chẽ, kỹ càng nhằm tránh rủi ro, nhất là về năng lực của chủ đầu tư và chất lượng công trình, cũng như vấn đề nợ xấu phải đặt trong tầm kiểm soát.
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, chính sách điều hành, định hướng của NHNN đưa ra nằm trong lộ trình về quản lý rủi ro, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Câu chuyện quá khứ vẫn luôn hiện hữu và là bài học cho tất cả các NHTM đối với việc kiểm soát các khoản tín dụng.
“Tuy nhiên, việc áp dụng bài học quá khứ cho vấn đề thực tế của hiện tại cũng cần có sự linh hoạt, phù hợp để tránh làm mất đi cơ hội của thị trường và các tổ chức kinh tế tham gia” – ông Long đưa ra quan điểm.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng