Trong khi thị trường bất động sản đang lên cơn sốt thì lời cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về hiện tượng bong bóng là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần.
Trao đổi với Báo giới, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho rằng, NĐT sẽ phải chịu rủi ro khi đẩy giá nhà, đất lên cao, trong khi phần lớn là nhu cầu ảo.
* Thưa ông, giá nhà đất tăng cao như hiện nay, có nguyên nhân là do chính sách thuế BĐS mà Bộ Xây dựng đề xuất chưa được thực hiện để làm "hạ nhiệt" thị trường?
Tôi cho rằng, giá nhà đất tăng cao chỉ tập trung vào một số khu vực nhà ở có thu nhập cao, ở những vị trí tốt và trên thực tế đã bị NĐT đẩy giá lên cao hơn so với nhu cầu thật. Mặc dù chưa có thống kê nhưng chắc chắn không hiếm những căn nhà ở Mỹ Đình, Trung Hoà - Nhân Chính (HN) vẫn không có chủ sử dụng thật sự.
Ngoài nguyên nhân vẫn được nhắc đến như cung cầu bất cập, giá đền bù, giá đất, giá nguyên vật liệu tăng thì còn một lý do nữa là năm nay, nguồn tiền đổ vào thị trường BĐS đang gia tăng do các kênh đầu tư, trong đó phải kể đến 80% là đầu tư vào BĐS.
Tuy nhiên, thị trường BĐS thời gian qua được ví như TTCK nên các NĐT cũng có tâm lý đầu tư kiểu "bầy đàn". Vì vậy cũng cần cảnh báo NĐT là thị trường BĐS rất chóng sinh lời, nhưng cũng đầy rủi ro.
Chính sách của Nhà nước là khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nhưng chính sách cho từng đối tượng sẽ khác nhau, Nhà nước sẽ không hạn chế anh đầu tư vào BĐS nhưng đối với những lĩnh vực sinh lời sẽ phải chịu thuế luỹ tiến.
Chính phủ đã có nghị quyết rồi và đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu, soạn thảo để ban hành các mức thuế theo hướng đánh luỹ tiến đối với chủ sử dụng nhà, đất. Thời hạn trình trong quý I/2008 và hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu kỹ vấn đề này.
* Nhưng như thế thì chúng ta đang tỏ ra bất lực trước cơn sốt nhà đất đang hoành hành, mà chưa có giải pháp hữu hiệu để hạ nhiệt thưa ông?
Vấn đề không phải ở chỗ Nhà nước đưa ra các mệnh lệnh hành chính hay quy định một mức giá trần để thị trường có thể bình ổn ngay được. Cách quản lý như vậy chỉ tồn tại ở thời bao cấp và phi thị trường.
Hiện nay, chúng ta đã thực hiện chính sách nhà ở xã hội được hơn 10 năm, phải nói rằng Nhà nước đang đặc biệt quan tâm đến khu vực nhà cho người có thu nhập thấp nên đang có chính sách tăng nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng này như có chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp hoặc ưu đãi trực tiếp cho người mua nhà.
Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng đề án xây dựng nhà xã hội để cho thuê, dự kiến sẽ đầu tư khoảng 500 nghìn căn hộ từ nay đến năm 2012 để người thu nhập thấp có thể thuê hoặc mua, giá sẽ do Nhà nước quy định, nhưng không bao cấp mà theo giá đảm bảo kinh doanh, người thu nhập thấp nhất định sẽ có cơ hội mua được nhà.
Còn đối với thị trường nhà cho người có thu nhập cao thì Nhà nước sẽ dùng công cụ thuế để điều tiết theo hướng thu nhập cao thì thuế sẽ cao.
* Vậy làm thế nào để đánh thuế thu nhập này, vì trên thực tế xác định thu nhập BĐS để chịu thuế không hề đơn giản?
Cái khó theo tôi chính là vấn đề này, ở các nước họ có thể xác định dễ dàng qua tài khoản cá nhân, nhưng ở VN rất khó xác định. Chính phủ đã giao vấn đề này cho Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất thì phải chờ một thời gian nữa.
* Xin cảm ơn ông!
Bộ TNMT đang "vào cuộc". Vấn đề đặt ra lúc này là để giảm được giá BĐS thì giảm giá như thế nào? Đây là vấn đề đang được bàn luận và chúng tôi đang giao cho đồng chí Thứ trưởng Trần Khánh Ngọc tập hợp, nghiên cứu trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra những biện pháp cụ thể để đề nghị thực hiện. (Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên)