Thu không đủ chi, mấy tháng nay gồng mình, móc tiền túi để trả lương nhân viên, quán ăn đặc sản quê của anh Tuấn buộc phải đóng cửa, nói lời chia tay với khách hàng.
Đóng cửa hơn là để lay lắt
Sau một thời gian thuê mặt bằng 60m2 ở tầng 1 tòa nhà chung cư Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) mở quán ăn, anh Vũ Văn Tuấn (chủ nhà hàng) đã buộc phải đóng cửa, trả lại mặt bằng khi hết hạn hợp đồng. Mức giá thuê hiện nay là 45 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phí dịch vụ và điện nước. Tổng chi phí cơ bản hàng tháng của cửa hàng lên tới hơn 50 triệu đồng.
Tuy ở tầng 1 tòa nhà chung cư với hàng nghìn hộ dân nhưng tình hình kinh doanh của quán không khả quan. Doanh thu hàng tháng chỉ đủ chi phí, thậm chí những tháng đầu anh phải bù lỗ. Anh xoay chuyển đủ mọi cách để kinh doanh, từ bán thêm đồ ăn vặt, bán thêm lẩu nhưng vẫn không thể trụ nổi trong thời gian 1 năm.
“Sau dịch, lượng người ăn giảm hẳn do thói quen cũng thay đổi. Quán mở thêm nhiều món mới thì lại phải tốn thêm chi phí nhân sự”, anh cho biết. Theo anh Tuấn, nhiều cửa hàng mở ra cùng thời điểm như quán của anh đều đã đổi chủ mới.
Hiện, chủ nhà đã đàm phán giảm giá hỗ trợ một thời gian nhưng anh Tuấn tính đóng cửa là hợp lý nhất, nếu không có thể dẫn tới nợ nần.
|
Nhà hàng đóng cửa trả mặt bằng
Theo một chủ nhà hàng trên đường Nguyễn Xiển, nguyên nhân khiến nhà hàng đóng cửa một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phạt nồng độ cồn khiến dân nhậu lười đến nhà hàng; một phần là do giá thuê mặt bằng quá cao, làm không đủ nuôi chủ nhà.
“Một căn nhà phố như căn tôi đang thuê ờ đây có diện tích khoảng 150 m2, giá thuê 80 triệu đồng/tháng. Nếu làm ăn được thì không nói, nhưng gặp khủng hoảng như đại dịch hiện nay là rất khó khăn, mình nai lưng ra 'cày' cũng không đủ nuôi chủ nhà”, anh nói.
Khảo sát tại các chung cư khác tại Hà Nội, nhiều cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng và treo biển cho thuê dù mức giá thuê đã giảm mạnh. Tình hình trả mặt bằng tại các khối đế bán lẻ của chung cư diễn ra nhiều hơn so với bên trong các trung tâm mua sắm, đặc biệt là các nhóm ngành hàng về ăn uống và thời trang trong nước. Các nhóm khác như siêu thị, sức khỏe, cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động bình thường.
Nhiều chủ nhà đưa ra ưu đãi cho khách thuê nhưng tình trạng treo biển cả tháng không có ai hỏi đang là rất bình thường, dù trước đó mặt bằng ở những chung cư này luôn khan hiếm.
Dè dặt chi tiêu
Sau khi giãn cách xã hội kết thúc, các cửa hàng đã dần quay lại trạng thái làm việc bình thường. Các trung tâm mua sắm cũng đã hoạt động trở lại, tuy nhiên, thời gian mở cửa còn hạn chế tại một số dự án. Cả chủ nhà và khách thuê vẫn đang rất thận trọng trong hoạt động kinh doanh.
Đại dịch đã khiến cho bối cảnh kinh doanh trở nên đầy thách thức cho các nhà bán lẻ và dẫn đến những thay đổi đáng kể về chiến lược hoạt động của các thương hiệu cho nửa cuối năm 2020.
Rầm rộ cho thuê nhà
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, lý giải, các khu vực bán lẻ vốn phụ thuộc nhiều về khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài và dân văn phòng, có mức độ hồi phục chậm hơn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ảnh hưởng kinh tế nói chung lên mức thu nhập của người dân.
Ước tính đến hết năm 2020, tâm lý người tiêu dùng vẫn sẽ dè dặt chi tiêu và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu cũng như các sản phẩm về sức khỏe...
Một khảo sát nhanh gần đây về thị trường bán lẻ tại châu Á - Thái Bình Dương được thực hiện bởi bộ phận nghiên cứu CBRE vào quý 2 năm 2020 cho thấy, 65% đơn vị bán lẻ được khảo sát dự kiến sẽ tạm hoãn việc mở rộng/mở mới. Trong khi đó, những kế hoạch hoạt động trong tương lai sẽ được đánh giá kĩ lưỡng hơn.
Một số thương hiệu thuộc các ngành hàng như thời trang và phụ kiện đã báo cáo doanh thu sụt giảm so với năm trước lên tới 30-45% tại cả toàn cầu và châu Á/châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời thông báo đóng cửa hàng tại nhiều địa điểm.
Hiện nhiều khu vực có mức giá thuê giảm. Đơn cử, giá chào thuê tầng trệt và tầng một khu vực ven đô trung bình đạt khoảng 550.000 đồng/m2/tháng, giảm 0,7% theo năm và 0,5% theo quý. Chưa kể, chủ nhà đã giảm số tiền đặt cọc và tiến độ thanh toán chia nhỏ hoặc thỏa thuận.
Hỗ trợ về giá thuê chỉ là một là ngắn hạn, theo các chuyên gia, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ chỉ “hái ra tiền” khi cả nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ.
DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet