Cần xử nghiêm các chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế dự án

Cập nhật 23/06/2017 14:54

Việc tự ý thay đổi thiết kế dự án của một số chủ đầu tư không những làm đảo lộn về công năng, gây sự bất tiện, mà còn có thể gây mất an toàn cho cư dân. Theo các chuyên gia, cư dân có thể kiện chủ đầu tư ra tòa về những vi phạm này.


Cư dân Dự án Capital Garden, 102 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội do Công ty Kinh Đô làm chủ đầu tư bức xúc cho rằng chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế tòa nhà. Ảnh: Việt Dương

Vụ tranh chấp giữa cư dân Chung cư Capital Garden, số 102 Trường Chinh (Hà Nội) và chủ đầu tư - Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô liên quan việc chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế dự án gây xôn xao thị trường trong thời gian gần đây.

Theo đó, khi dự án bắt đầu bàn giao vào quý III/2016, nhiều khách hàng đã phát hiện ra những điều bất hợp lý của chung cư này. Đặc biệt, rất nhiều hạng mục của chung cư bị thay đổi so với thiết kế ban đầu.

Khách hàng phản ánh, theo thiết kế ban đầu, Capital Garden sẽ có mái che, nhưng thực tế sau khi đi vào hoạt động, phần mái che này không hề có. Không những vậy, theo quy hoạch thiết kế 1/500, tòa nhà sẽ phải có khu vực sinh hoạt tập thể như phòng họp cộng đồng, khu vui chơi cho trẻ em…, thế nhưng, toàn bộ 25 tầng của tòa nhà cũng như trong khuôn viên của khu chung cư này không hề có các hạng mục nêu trên.

Một dự án khác cũng bị chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, biến khu vực chung thành của riêng là tòa nhà chung cư Sông Hồng Parkview, 165 Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội do Tổng công ty Sông Hồng làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng tham gia đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Dự án gồm 2 khối nhà 21 tầng, 1 khối nhà văn phòng làm việc và cửa hàng kinh doanh 11 tầng, tổng diện tích khu đất là 5.283 m2, diện tích xây dựng 3.520 m2, mật độ xây dựng 66,6%, với số tầng hầm theo đăng ký là 2 tầng.

Tuy nhiên, thực tế, công trình xây trên toàn bộ diện tích 5.283 m2, trong khi số tầng khối nhà sau khi hoàn thiện lên tới 26 tầng nổi, còn khối nhà văn phòng làm việc và cửa hàng kinh doanh cũng xây lên thành 15 tầng. Ngoài ra, cư dân này cũng rơi vào rủi ro cao nếu có cháy nổ, bởi lối thoát hiểm chung trong thiết kế đã bị chủ đầu tư chưng dụng triển khai hạng mục bể bơi 4 mùa để khai thác kinh doanh thu tiền.

Câu chuyện gần đây nhất là chung cư Golden West, số 2 Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Được giới thiệu là tổ hợp chung cư cao cấp, được xây dựng trên khu đất hơn 8.770 m2, gồm 27 tầng nổi, 3 tầng hầm, trong đó có 3 tầng trung tâm thương mại, 22 tầng nhà ở với 600 căn hộ cao cấp, 2 tầng cây xanh, kỹ thuật. Thế nhưng, sau khi bàn giao, thiết kế của phần trung tâm thương mại bị thay đổi hoàn toàn.

Theo thiết kế mặt bằng các tầng căn hộ đã được phê duyêt và theo cam kết của chủ đầu tư, các tầng căn hộ của tòa nhà sẽ bao gồm các ô căn thoáng xen kẽ giữa các căn hộ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cư dân, các ô thoáng đã được chủ đầu tư bí mật xây dựng thành các căn hộ. Ngoài ra, chủ đầu tư đã tự ý biến tầng hầm B1 thành rạp chiếu phim gây mất an toàn cháy nổ, dù chưa được cấp phép, khiến cư dân vô cùng bức xúc và UBND quận Thanh Xuân đã lên tiếng sẽ thanh, kiểm tra tình trạng này.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, đây là hậu quả của việc làm ăn thiếu quy củ, thiếu minh bạch, chộp giật của một số chủ đầu tư.

"Hiện luật đã điều chỉnh chi tiết đến từng hành vi, buộc chủ đầu tư phải minh bạch thông tin đầy đủ dự án. Nếu chủ đầu tư thông tin không đúng, không đầy đủ, sai so với thiets kế và không đảm bảo điều kiện, thì phải chịu trách nhiệm trước khách hàng. Nếu doanh nghiệp không sửa, thì khách hàng hoàn toàn có thể kiện ra tòa”, ông Đính cho biết.           

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản