Cẩn trọng với tính khả thi dự án thép

Cập nhật 25/07/2009 15:20

Sau lễ khởi công cuối năm 2008, dự án khu liên hợp thép Cà Ná - Ninh Thuận (vốn đầu tư 9,8 tỉ đô la Mỹ) đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Ban quản lý dự án Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương năm trước đã mạnh dạn từ chối 2 dự án liên doanh thép, tỉnh Ninh Thuận mới đây ra văn bản thúc giục chủ đầu tư dự án liên hợp thép Cà Ná trả lời về tính khả thi của dự án, dường như các dự án thép không được đón nhận nhiệt tình như thời gian trước.

Có nhiều lý do dẫn đến việc các địa phương cân nhắc các dự án thép hơn trước. Trong khi Chính phủ từ cuối năm ngoái đã yêu cầu rà soát quy hoạch dự án thép. Lý do lớn nhất xuất phát từ thực tế là tính khả thi và hiệu quả kinh tế tại các dự án thép quy mô lớn không như mong đợi lâu nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận hôm 22-7 đã ký văn bản yêu cầu Tập đoàn Lion Group (Malaysia) - đối tác liên doanh với Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thực hiện dự án khu liên hợp thép Cà Ná - phải trả lời dứt khoát về khả năng thực hiện đầu tư dự án này. Bởi 8 tháng sau khi khởi công, dự án vẫn im lìm.

Hàng trăm hộ dân chưa được chủ đầu tư đền bù giải phóng mặt bằng, bộ máy điều hành công ty liên doanh tại Ninh Thuận chưa có. Tỉnh Ninh Thuận cũng chưa nhận được các vản bản về góp vốn điều lệ, xác định công nghệ luyện cán thép như đã đăng ký để cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, các vấn đề khác liên quan đến nguốn vốn sắp xếp cho các giai đoạn của dự án cũng chưa có hồi âm.

Liên hợp thép Cà Ná đã được khởi công hồi cuối tháng 11-2008, tổng công suất là 14,42 triệu tấn/năm theo công nghệ lò cao, lò thổi ô-xy với các sản phẩm là thép cuộn và thép tấm. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 9,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 2,8 tỉ đô la Mỹ, dự kiến hoàn thành cuối năm 2010.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, cho rằng hành động của UBND tỉnh Ninh Thuận là cần thiết, giải quyết được 2 mục đích. Thứ nhất, nếu nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc thì điều này sẽ được chứng minh bằng thực tế. Thứ hai, yêu cầu này có tác dụng thúc giục thực thi, hậu kiểm việc cấp phép dự án để cho ra những kết quả rõ ràng.

Ông Mai Đức Chọn, Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết lý do từ chối 2 dự án liên doanh thép đầu tư vào tỉnh này năng lực của đội ngũ cán bộ các đơn vị có liên quan không đủ để thẩm định công nghệ của dự án, chưa kể đến việc giám sát dự án.

Hơn nữa, Hải Dương e ngại các dự án thép quy mô quá lớn thì chi phí phục hồi môi trường, tổn thất điện năng tốn gần gấp đôi lợi ích thu được từ dự án.


“Từ trước khi xảy ra suy thoái kinh tế, Hiệp hội Thép Việt Nam đã cảnh báo về sự nở rộ quá mức của các dự án thép có tổng vốn đầu tư lớn, đến từ các quốc gia không có sự phát triển về ngành luyện kim. Ngoài vấn đề về nguồn cung thép xây dựng tính ra đã dư thừa, xuất khẩu lại khó khăn, xét cho cùng đều liên quan đến tính khả thi thực tế của các dự án”, ông Cường nói.

Ông Cường bổ sung rằng, khi xảy ra suy thoái kinh tế, các dự án này vẫn được cấp phép và vội vã khởi công cũng là điều bất thường: “Có phải là chuyện giữ đất đợi thời không?”, ông Cường đặt câu hỏi.

Vẫn theo phân tích của ông, để tránh những kết quả hậu kiểm bất lợi cho dự án và địa phương, địa phương cấp phép nên yêu cầu nhà đầu tư trình ra những hợp đồng bảo lãnh vốn vay ngân hàng để cam kết thực hiện các giai đoạn cuả dự án một cách thực tế, ngoài 30% vốn pháp định phải có, mặc dù trong điều kiện hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư đã trở nên thông thoáng và việc thẩm định nguồn vốn cho dự án không còn khắt khe như trước.

“Nhưng tôi e rằng, vì muốn có con số thu hút vốn đầu tư nước ngoài thật ấn tượng, nhiều nơi đã bỏ qua những công đoạn cần thiết đó”, ông nói. Ngoài dự án liên hợp thép Cà Ná, nên hậu kiểm tất cả các dự án đầu tư vào ngành thép có vốn đăng ký hàng tỉ đô la Mỹ để cho thấy những bức tranh thực, nhằm dễ bề tính toán quy hoạch thực tế và tính hiệu quả của tổng thể ngành thép Việt Nam.

 

Một số dự án théo quy mô lớn đang đình trệ

- Dự án luyện thép cán nóng do liên doanh giữa Tập đoàn Essar (Ấn Độ), Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện, hiện tại đã được lập thiết kế chi tiết và hồ sơ mờ thầu nhưng do tình hình tài chính khó khăn, đối tác Ấn Độ đã đề nghị tạm dừng để nhượng bớt phần vốn pháp định của mình cho đối tác khác.

- Dự án luyện cán thép không rỉ Thiên Hương (Đài Loan) đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy phép đầu tư từ năm 2006 nhưng không triển khai được và bị rút giấy phép.

- Dự án liên hợp thép do Tập đoàn E-United (Đài Loan) làm chủ đầu tư chậm 2 năm hiện chưa biết thời điểm triển khai.

Nguồn: Báo cáo của ông Nguyễn Mạnh Quân (*) (*) Vụ trưởng Vụ công nghệp nặng (Bộ Công Thương) vào tháng 4-2008.

 

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG