Cẩn trọng cho vay bất động sản

Cập nhật 27/04/2017 14:17

Dù cho vay bất động sản là lĩnh vực có mức lãi suất cao hơn nhưng nhiều ngân hàng chủ trương cho vay cẩn trọng để tránh phát sinh nợ xấu và rủi ro

Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của nhiều ngân hàng (NH) thương mại diễn ra gần đây, một số cổ đông đặt vấn đề với ban lãnh đạo NH xung quanh việc đầu tư cho vay những lĩnh vực đem lại nhiều lợi nhuận hơn, trong đó có bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều NH khẳng định cẩn trọng khi cho vay BĐS là cần thiết.

Rủi ro

Theo NH Nhà nước, xu hướng tín dụng trong những tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khi dư nợ đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80% tổng dư nợ nền kinh tế. Dù vậy, NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH thương mại kiểm soát tình hình cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng BĐS, các dự án BOT, BT giao thông.

Trên thực tế, tín dụng BĐS đã tăng khá cao thời gian qua khi thị trường này đang hồi phục. Trên địa bàn TP HCM, lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết gần đây cơ cấu tín dụng có xu hướng thay đổi theo hướng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất gồm BĐS, tiêu dùng và chứng khoán tăng dần. Đây là tín hiệu cần phải cảnh báo trong bối cảnh thị trường BĐS đang được cảnh báo có dấu hiệu sốt ảo ở một số khu vực và nguy cơ rủi ro nhiều hơn. Hiện cho vay tiêu dùng của các NH trên địa bàn TP chiếm khoảng 10% dư nợ, trong đó chủ yếu là cho vay cá nhân mua nhà đất, sửa chữa nhà…

Tại ĐHCĐ của NH TMCP Phát triển TP (HDBank) mới đây, một số cổ đông đặt vấn đề sao NH không đầu tư vào lĩnh vực phi tín dụng, cho vay BĐS sẽ có mức lợi nhuận cao hơn? Lãnh đạo HDBank cho biết: HĐQT và ban lãnh đạo có trăn trở về điều này để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn cho NH nhưng sau khi đánh giá, xem xét khía cạnh rủi ro, chuẩn mực NH trong phát triển bền vững thì NH chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính. Bởi lợi nhuận cao thì rủi ro lớn nên NH phải cân nhắc kỹ.

“Cho vay một số lĩnh vực BĐS hoặc đầu tư vào BĐS có thể đạt lợi nhuận cao nhưng NH có chỉ số kiểm soát khi cho vay những lĩnh vực này, nên thực tế số lượng dự án BĐS NH cho vay không nhiều. Chúng tôi cũng cẩn trọng khi chọn khách hàng, chọn dự án BĐS để rót vốn” - đại diện HDBank nói.


Thời gian qua, tín dụng bất động sản đã tăng khá cao Ảnh: Vũ Phương

Cẩn trọng là cần thiết

Theo lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, bài học về tăng trưởng tín dụng nóng vẫn còn nguyên giá trị, nhất là tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy việc một số NH thương mại giảm cho vay đầu tư BĐS hoặc chọn lựa kỹ dự án để rót vốn là điều cần làm trong thời điểm này.

Tại ĐHCĐ của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) mới đây, ban lãnh đạo Eximbank cho biết hoạt động tín dụng của NH trong năm 2017 là kiểm soát tín dụng trung dài hạn, nhất là các lĩnh vực, dự án khó kiểm soát rủi ro như BĐS, các dự án giao thông theo hình thức BOT, các dự án ngoài hoạt động cốt lõi của NH có quy mô quá lớn so với khả năng thị trường và năng lực tài chính của khách hàng. Lãnh đạo nhiều NH thương mại khác cũng khẳng định không còn “mạnh tay” bơm vốn cho vay dự án, đầu tư BĐS trong thời gian qua.

Ở góc độ khác, liệu có phải vì lãi suất cho vay BĐS cao hơn, đem lại lợi nhuận hấp dẫn hơn nên NH đẩy mạnh cho vay nhiều hơn? Phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần tại TP phân tích: Tín dụng liên quan đến quản trị rủi ro của từng NH nhưng cấp tín dụng một cách bảo đảm an toàn vẫn là ưu tiên số 1 của nhiều NH, trong đó có NH ông. “Chúng tôi có chiến lược để vốn tín dụng bảo đảm hài hòa cho các ngành kinh tế, bởi bản chất của tín dụng không chỉ là bơm vốn ra mà còn phải bảo đảm an toàn cho NH. Với BĐS, NH vẫn tiếp tục cho vay các dự án khả thi nhưng chú trọng nhiều hơn đến khách hàng là cá nhân vay mua nhà, làm sao để đồng vốn hiệu quả và tránh rủi ro” - vị phó tổng giám đốc này chia sẻ.

Lãnh đạo một NH thương mại nhà nước cũng cho rằng trong câu chuyện kiểm soát rủi ro khi cho vay đầu tư BĐS liên quan rất lớn đến kinh nghiệm, trình độ, phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng. Nếu cán bộ tín dụng tốt sẽ nhìn ra rủi ro khi cho vay, điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh thị trường BĐS đang có dấu hiệu dư thừa khi quy mô sản xuất của các doanh nghiệp ngày càng lớn.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ