Có thể thấy, hầu hết các KĐTM xây đều mang vẻ đẹp kiến trúc hiện đại với rất nhiều khối nhà bê tông cốt thép, trong khi mảng xanh tại đây lại chiếm một tỷ lệ rất ít nếu như không muốn nói là cho vào để có.
Một số chuyên gia BĐS cho rằng, nếu cứ để tình trạng này thì về lâu dài, sự ngột ngạt, bí bách khi thiếu không gian xanh tại những KĐT sẽ dần giảm sự hấp dẫn không chỉ với cư dân nơi đây mà điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới khả năng cũng như chất lượng giao dịch của các dự án BĐS sau này khi mà nhu cầu của người dân đang hướng tới cuộc sống không chỉ sạch, đẹp mà còn phải có không gian sống trong lành và thoải mái...
Theo một số chuyên gia quy hoạch thì hiện nay, những mảng xanh trong đô thị ngày càng thu hẹp trong khi mật độ dân số các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… lại không ngừng tăng lên.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là nhiều chủ đầu tư dự án thường có xu hướng cắt giảm quỹ đất dành cho không gian xanh và tăng diện tích sàn xây dựng để nâng cao phần lợi nhuận.
Đặc biệt, khi mà đất chật người đông, “tấc đất tấc vàng” thì họ thường ưu tiên cho nơi ăn chốn ngủ trước khi nghĩ đến tác động môi trường hay ngắm nhìn cảnh vật xung quanh.
Tại một số KĐT lớn tại Hà Nội đều dễ dàng nhận thấy, không gian chung như công viên, vườn hoa cây xanh cũng đã được chủ đầu tư để ý đến nhưng diện tích dành cho những khu vực này rất khiêm tốn, còn lại đều ưu tiên tối đa diện tích khu căn hộ.
Tình trạng này sẽ khó đảm bảo cho BĐS tại các KĐT trên có sức hấp dẫn lâu dài với người sử dụng và chắc chắn sẽ giảm giá trị theo thời gian không xa. Ngược lại, một số KĐT khu vực ngoại thành Hà Nội như KĐT Ecopark, Gamuada Gadends lại được nhiều gia đình lựa chọn làm nơi an cư do có đầy đủ tiện ích, không khí luôn được đảm bảo trong lành do có mật độ cây xanh dày đặc...
KTS Nguyễn Đức Phổ, Cty CP Kiến trúc Việt cho biết, những công trình do Cty thiết kế hầu hết đều được chủ nhà yêu cầu thiết kế tận dụng tối đa khoảng không gian xanh cho ngôi nhà của mình.
Điều này cho thấy, nhu cầu sống trong một không gian trong lành, thoáng mát ngày càng được người dân quan tâm, chứ không như trước đây, chỉ cần có chỗ chui ra chui vào là đủ.
Việc xây dựng những khu nhà ở đạt chất lượng công trình xanh là xu hướng tất yếu mà các nước trên thế giới đã và đang thực hiện, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn rất ít so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lý do khiến chúng ta chưa có nhiều công trình đạt tiêu chí xanh là do đa số các nhà phát triển dự án BĐS chỉ nhắm đến lợi ích trước mắt sao cho tiết kiệm tối ưu chi phí đầu tư và thu hồi vốn nhanh.
Chưa kể, việc đầu tư cho công trình xanh được cho là tốn kém đáng kể so với các công trình bình thường (phần chi phí tăng thêm được tính có thể lên đến 10 - 29%). Vì vậy, họ đều e ngại đầu tư bởi sẽ làm tăng tổng vốn đầu tư, thời gian thi công kéo dài do thủ tục phức tạp...
Để công trình xanh có thể phát triển mạnh, một số đề xuất cho rằng, cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề thuộc về kỹ thuật và năng lực thiết kế. Bên cạnh đó cũng cần ban hành chính sách tổng thể nhằm ưu đãi cụ thể đối với các công trình xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng... có như vậy mới khuyến khích được sự tham gia của xã hội.
Đặc biệt, khi biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tất cả các tuyến phố, các dự án, các khu đô thị đều cần có những mảng xanh rộng lớn. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn sẽ gia tăng giá trị BĐS trong tương lai, góp phần giảm sử dụng năng lượng trong quá trình vận hành và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Theo thông tin mới đây từ Bộ Xây dựng, sắp tới sẽ có các chính sách thúc đẩy, khuyến khích, thậm chí bắt buộc doanh nghiệp triển khai công trình xanh, đồng thời tăng cường chế tài đối với các dự án vi phạm trong vấn đế thiết kế quy hoạch mảng xanh và tiết kiệm năng lượng…
Việc áp dụng các công trình xanh theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tiết kiệm năng lượng cho quốc gia.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng