Cẩn thận với nhà giá rẻ

Cập nhật 30/11/2013 09:03

Nhà cho thuê có thời hạn, nhà chung sổ hồng, mua suất tái định cư… là các loại hình nhà ở của những người có nhu cầu về nhà ở nhưng khả năng tài chính còn hạn chế. Tuy nhiên thực tế đã phát sinh nhiều phiền toái cho người mua, thuê nhà xung quanh các “loại hình” này.

Từ suất tái định cư

Phần lớn các dự án căn hộ, nền đất tái định cư được nhà nước bán cho người có nhà, đất bị giải tỏa theo cơ chế “bảo toàn vốn” nên giá khá mềm. Trong khi đó, một phần vì không muốn ở chung cư, một phần vì muốn lấy tiền để tìm kiếm một chỗ ở mới xa hơn, giá rẻ hơn để còn có chút tiền dư ra làm vốn kinh doanh, do đó nhiều người tìm cách “bán” lại suất tái định cư cho những người có nhu cầu.

Vì giá khá mềm so với giá thị trường nên “suất tái định cư” thu hút nhiều người mua. Nhưng ngược lại có điều bất lợi cho người mua là mọi giấy tờ liên quan đều do “chủ gốc” đứng tên, mỗi khi cần việc gì người mua đều phải nhờ người bán đi ký tên. Trường hợp mua bán suất tái định cư cũng diễn ra khá rầm rộ tại các dự án tái định cư trên địa bàn quận 2 do nơi đây có hàng chục ngàn căn hộ, nền đất tái định cư.

Ông Hứa Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 2, cho biết thông thường người bán và người mua thỏa thuận bằng giấy tay. Sau đó, người bán làm giấy ủy quyền cho người mua đi liên hệ với các cơ quan chức năng để nhận nền đất hay căn hộ. Về mặt giấy tờ, người bán vẫn đứng tên. Thời gian qua trên địa bàn quận 2 cũng diễn ra nhiều trường hợp tranh chấp giữa người bán và người mua. Có trường hợp sau khi bán thấy giá nhà, đất lên nên quay sang đòi thêm. Có trường hợp người bán sau khi lấy tiền dọn đi đâu không biết…


Hàng chục ngàn căn hộ tái định cư đang được xây dựng trên địa bàn quận 2 TPHCM
nhưng nhiều cư dân trong đó không thuộc diện tái định cư. Ảnh: ĐỖ BÌNH MINH

Mới đây, Ban quản lý dự án Khu đô thị mới Vĩnh Lộc (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5, TPHCM) thông báo sẽ làm giấy chứng nhận trong khu tái định cư và yêu cầu người dân nộp hồ sơ. Trong thành phần hồ sơ phải nộp, ngoài những giấy tờ liên quan còn phải có bản sao chứng minh nhân dân và hộ khẩu hiện tại của chủ đất.

Tuy nhiên, khi người mua suất tái định cư liên hệ với chủ đất để lấy bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu và nhờ họ làm các thủ tục như đi nhận giấy chứng nhận, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại phòng công chứng... có trường hợp “ra giá” từ 30 - 50 triệu đồng mới chịu làm công việc trên. Nhiều trường hợp mua bán suất tái định cư do tranh chấp phải kéo nhau ra tòa.

Đến nhà thuê, nhà giá rẻ

Những người tìm kiếm nhà giá rẻ trên địa bàn quận Tân Bình chưa nguôi ngoai với dự án “chung cư mi ni” trên đường Cộng Hòa (Tân Bình) do Dương Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Tổ hợp Vi Na “vẽ” ra để lừa khách hàng. Hậu quả là khách hàng mất tiền, Hùng đi tù.

Mới đây, nhiều khách hàng ký hợp đồng với Công ty CP Quốc tế C&T (thuộc Tập đoàn C.T Group) thuê nhà có thời hạn (từ 6 - 12 năm). Tuy nhiên, quá thời hạn giao nhà gần 2 năm nhưng nhà vẫn không có, trong khi đó dự án vẫn án binh bất động nên nhiều khách hàng kéo đến trụ sở chủ đầu tư giăng băng rôn biểu ngữ phản đối.

Thời gian qua trên địa bàn các quận, huyện: Hóc Môn, 12, Bình Tân… nở rộ tình trạng nhiều người mua đất rồi xây nhiều căn nhà nhỏ trên thửa đất để bán mà giới “cò đất” thường gọi là “nhà chung sổ hồng”. Chúng tôi tìm đến một khu dân cư đang xây dựng tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Đây là khu dân cư được xây dựng theo kiểu một cá nhân chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở rồi phân lô bán nền. Một “cò” ra giá, với diện tích mỗi căn từ 28 - 30m² bán từ 350 - 450 triệu đồng/căn.

Tìm hiểu kỹ, chúng tôi được biết một số người mua đất có diện tích 7mx20m (đã có sổ đỏ) sau đó chia nhỏ, xây thành những căn “nhà phố” có diện tích 4mx7m, có chỗ 4mx8m. Khi chúng tôi đặt vấn đề với “cò” nếu mua rồi có “tách” sổ được không? Anh ta cam kết: Hơn 1 tháng sau sẽ có sổ hồng cho từng căn nhà.

Một “dự án” tương tự cũng được xây dựng khá hoành tráng tại khu phố 4, đường Phan Văn Hớn (quận 12). Những căn nhà 3,5mx10m được rao bán giá gần 1 tỷ đồng nhưng không có giấy tờ lận lưng. Để tạo lòng tin cho những người mua không rành về quy định chuyển nhượng, bên bán luôn “cam kết” có công chứng mua bán. Nhưng thực tế bên bán chỉ thuê các phòng công chứng lập vi bằng về hành vi thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. Hoàn toàn không phải hợp đồng công chứng mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn nhà được rao bán nằm ở quận 12 và Hóc Môn, Bình Tân và Bình Chánh. Các quận, huyện này cách trung tâm thành phố từ 45 phút đến 1 giờ chạy xe máy, giá nhà đất còn tương đối thấp nên những năm qua là đích đến của nhiều lao động có thu nhập trung bình. Nhiều người phản ánh, khi bên bán lấy đủ tiền thì họ bắt đầu chây ì, thậm có trường hợp sau khi bán nhà xong còn lấy “sổ đỏ” đem cầm cố ngân hàng, vay nặng lãi của xã hội đen và xảy ra tranh chấp gây không ít phiền hà.

"Nhà đất là loại tài sản có đăng ký, do vậy mọi giao dịch mua bán, cho tặng, thừa kế… đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật một cách chặt chẽ, qua sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, khi mua bán nhà phải thể hiện bằng hợp đồng, qua phòng công chứng, làm thủ tục đăng bộ, đóng thuế. Mọi hình thức giao dịch trái với quy định như trên đều trái pháp luật. Nếu có tranh chấp sẽ bị tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu. Rủi ro và thiệt hại luôn thuộc về phía mua"
Luật sư Nguyễn Tấn Hải
(Đoàn Luật sư TPHCM)

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP