Tiếp theo vụ Cty Vạn Thịnh Phát (chủ đầu tư khu căn hộ cao cấp Pasteur Court TPHCM) kiện khách hàng hủy hợp đồng mua bán căn hộ, gần đây nhiều bạn đọc đã phản ánh có chủ đầu tư đã kiện họ để lấy lại nhà!
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại khá nhiều dự án căn hộ, khách hàng có nguy cơ mất nhà do hợp đồng có quá nhiều tình tiết bất lợi cho khách hàng chỉ vì khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, họ đã “hoa mắt” trước những điều khoản do chủ đầu tư đưa ra và nguồn cung khan hiếm…
Tại dự án căn hộ cao cấp (CHCC) The Royal (Q. Bình Thạnh) TPHCM, dù cơ quan quản lý không cho phép nhưng chủ đầu tư là Cty Tân Hoàng Thân đã biến văn phòng cho thuê thành CHCC.
Xem kỹ hợp đồng khách hàng đã ký với Cty này thì có điều khoản họ được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi cơ quan có thẩm quyền không cho phép thực hiện tiếp tục dự án.
Như vậy, nếu có kiện tụng vì không được giao nhà hay văn phòng không cho phép thành căn hộ thì khách hàng may mắn lắm cũng chỉ được trả lại tiền theo giá gốc kèm lãi suất ngân hàng. Khách hàng nào mua, sang, nhượng lại lần thứ hai trở đi rất có thể mất trắng hàng trăm triệu đồng, vì giá gốc chỉ 12 triệu đồng/m2 còn giá hiện tại đã 17, 18 triệu đồng/m2.
Hiện, chúng tôi đang có hợp đồng căn hộ V (Q.7 TPHCM). Trong hợp đồng này, chủ đầu tư chỉ phải trả lại tiền giá gốc và đền 5% giá trị hợp đồng (khoảng 60 triệu đồng), nếu sau 180 ngày đến hạn mà không có nhà. Nhưng khách hàng phải chịu phạt đến 20% giá trị hợp đồng (khoảng 240 triệu đồng) nếu sau 1 tháng đến hạn mà chưa thanh toán tiền!
Qua tìm hiểu 6 hợp đồng mua bán căn hộ ký từ đầu năm 2007 về trước tại một văn phòng môi giới địa ốc ở Q.2 (TPHCM), chúng tôi thấy cả 6 hợp đồng đều quy định chủ đầu tư chỉ phải bồi thường nhiều nhất là 8% giá trị hợp đồng nếu dự án không tiếp tục thực hiện hoặc đền cao lắm là 30% giá gốc nếu họ không giao nhà vì bất cứ lý do gì! Với giá nhà tăng vọt như hiện nay thì khách hàng cầm chắc thua thiệt nếu chủ đầu tư vin vào “kẽ hở” này để hủy hợp đồng.
Ngay cả nhiều dự án lớn như của Phú Mỹ Hưng trước đây hay dự án sốt ảo vừa qua như The Vista, đều có những điều khoản bất lợi dành cho khách hàng nếu có tranh chấp.
Phổ biến nhất vừa qua của các dự án bán còn trên giấy (khi chưa có quy định có móng mới bán nhà) là hợp đồng bị tuyên vô hiệu và khách hàng phải nhận về tiền góp vốn từ 2 - 3 năm trước và sau đó chủ đầu tư bán nhà với giá hiện tại gấp 5 - 6 lần.
Tại dự án căn hộ Phúc Long Plaza (khu Nam Sài Gòn), đóng tiền 2 - 3 năm trời nhưng khu đất xây căn hộ bị chuyển mục đích sử dụng và khách hàng chỉ còn biết an ủi nhau khi nhận tiền về “may mà không mất”.
Ngay trong vụ Vạn Thịnh Phát hủy hợp đồng hứa bán căn hộ Pasteur Court, luật sư của khách hàng Lê Thụy Hải Hà đã cẩn thận yêu cầu bên Vạn Thịnh Phát phải đền 300% số tiền đã nhận nếu hủy hợp đồng, nhưng Vạn Thịnh Phát vẫn làm vì có lợi do tiền đã nhận chỉ bằng 50% giá trị hợp đồng.
Luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, khi ký hợp đồng thường khách hàng tin tưởng vào uy tín của Cty hơn là những điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều Cty đã đánh mất chữ tín vì nhiều lý do: giá lên quá cao, nhanh; mượn vụ kiện khách hàng này để “dằn mặt” khách hàng khác, dùng tiền khách hàng đi làm ăn riêng…
Khi tranh chấp, họ thường chỉ phải trả số tiền đã nhận bằng một nửa, thậm chí bằng 20% - 30% so với giá nhà hiện tại và còn được xử lấy lại để bán hay cho thuê với giá hiện tại nên đã tạo ra một tiền lệ xấu.
Ông Nguyễn Phúc Đức, Phó giám đốc Cty địa ốc Đức Lợi (Q.7, TPHCM) lo ngại: “Ở các nước khác tôi không thấy chủ đầu tư làm vậy, các chủ đầu tư tại Việt Nam đã có một “án lệ” đem lại lợi ích cả tinh thần lẫn vật chất cho họ nên tiền lệ xấu này có vẻ gia tăng. Tôi mong khi đặt bút ký hợp đồng khách hàng hãy cẩn thận”.
Có lẽ, hiếm ở đâu lại có kiểu mua bán và giải quyết tranh chấp căn hộ như ở Việt Nam: Khách hàng chen lấn mua, nhắm mắt ký hợp đồng và luôn chịu thiệt hại khi tranh chấp nhưng CHCC vẫn bán chạy!
Luật sư Sa Linh khuyến cáo: “Trước khi “trời cứu”, khách hàng nên phải tự thương lấy đồng tiền của mình bỏ ra và nên nhớ họ có quyền thương lượng hợp đồng với chủ đầu tư”.
Theo Tiền Phong