Cần quản lý và giám sát chặt chẽ công tác xây dựng theo quy hoạch

Cập nhật 13/11/2008 15:00

Tổng giám đốc của Land Design Group (một Cty tư vấn kiến trúc xây dựng của Pháp có trụ sở tại Việt Nam), kiến trúc sư (KTS) trưởng Gery Ego là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác quy hoạch và quản lý dự án. KTS Gery Egon đã tham gia vào rất nhiều dự án tại Việt Nam như Khu đô thị Bắc Sông Cấm (Hải phòng), khu đô thị mới phía Tây, phía Đông (TP Hải Dương), khu đô thị mới Phùng Khoang, khu đô thị mới Dương Nội (Hà Nội)... và rất nhiều các công trình kiến trúc.

Báo Xây dựng đã phỏng vấn ông về quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài – trục kết nối mới, quan trọng giữa 2 TP Hà Đông, Hà Nội. Trong tương lai gần đầy cũng là trục đô thị sức hấp dẫn, ảnh hưởng hàng đầu ở Thủ đô.

* Thưa ông, là người từng tham gia vào công tác quy hoạch một số dự án tại Hà Nội và Hà Tây (cũ), ông dự báo như thế nào xu hướng phát triển trong tương lai của Hà Nội?

- Phát triển đô thị Hà Nội về hướng Tây và Tây Nam là chủ trương đúng vì nơi đây có nhiều thuận lợi để phát triển như quỹ đất còn rộng, hạ tầng đang được nâng cấp, hoàn thiện, trong đó bao gồm các trục đường từ Hà Nội đi Hà Tây cũ (tuyến đường QL1, Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL6, Đường Láng - Hòa Lạc, QL 32, Đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và các tuyến đường sắt trên cao).

Ngoài ra việc phát triển về hướng Tây và hướng Tây Nam cũng là phương án kinh tế hơn nếu so sánh với hướng phát triển về phía Bắc vì phát triển lên phía Bắc sẽ phải đầu tư chi phí lớn vào hạ tầng nhiều hơn (làm cầu qua sông Hồng) và khối lượng giải phóng mặt bằng cũng nhiều hơn. Khi phát triển về Hà Tây, Hà Nội có lợi thế lớn về phát triển giao thông và hạ tầng trên diện rộng. Đến nay, Hà nội đã thực hiện xong quy hoạch tuyến đường trục Bắc Nam Hà Tây với mặt cắt 150m. Đây sẽ là trục giao thông chính của TP trong tương lai. Tuyến đường này được kết nối vào tuyến đường QL5 mới để đi ra cảng Hải Phòng về hướng Đông và kết nối đi lên các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc qua bên kia sông Hồng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng hướng phát triển thủ đô về hướng Tây và Tây Nam cần lưu ý phân chia thành các giai đoạn phù hợp với các tiến độ phát triển và đầu tư, tránh đầu tư tràn lan gây nên lãng phí. Theo tôi, giai đoạn 1 tập trung dọc theo đường Láng - Hòa Lạc và phát triển đô thị tại Hà Tây (cũ) theo hướng mở rộng TP Hà Đông hiện tại.

Các giai đoạn tiếp theo sẽ được phát triển dần theo mô hình quy hoạch mở rộng có tính chất lan tỏa tận dụng được sự mở rộng của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và phù hợp với định hướng của Chính phủ.

* Ông có thể phân tích rõ hơn định hướng phát triển theo giai đoạn mà ông vừa đề cập?

- Như tôi đã nói, việc phát triển cần phải chia thành các giai đoạn đảm bảo cho mọi nguồn lực có thể phát huy tối đa, tránh đầu tư dàn trải. Một trong những giai đoạn đầu tiên là cần phát triển mở rộng TP Hà Đông để có thể tận dụng hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng thời quy hoạch và quản lý được quỹ đất xung quanh thành phố tránh tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm.

Các tuyến đường giao thông đối ngoại của TP Hà Đông hiện nay thực sự còn nhiều bất cập, do quá trình phát triển nhanh chóng tuyến đường này hiện nay không đảm bảo lưu lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa, thường gây ra tắc đường vào giờ cao điểm. Trong quy hoạch phát triển định hướng của Hà Nội, TP Hà Đông sẽ gắn kết thêm với trung tâm Hà Nội bằng tuyến giao thông liên đô thị là đường Lê Văn Lương kéo dài thẳng trục đường Láng Hạ - Thanh Xuân.

Theo tôi được biết, tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân là một trong những tuyến đường chính đô thị thành công nhất về quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng ở Hà Nội với lộ giới từ 40-53m, bằng việc kết nối và kéo dài đường Lê Văn Lương kéo dài từ địa phận vành đai 3 (đường Khuất Duy Tiến) đến vài đai 4 dự kiến, tuyến đường Lê Văn Lương- Láng Hạ kéo dài sẽ là tuyến chính phục vụ giao thông và giảm tải cho tuyến đường QL6 hiện nay.

* Ông có thể chia sẻ quan điểm về việc quản lý quy hoạch cũng như những vấn đề đáng lưu ý khi triển khai đầu tư, xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài?

- Ở Hà nội, một số tuyến đường nhà nước đầu tư làm rất đẹp tuy nhiên công tác quy hoạch và quản lý chưa được tốt nên ngay sau đó việc xây dựng nhà dọc theo tuyến đường đã làm hỏng cảnh quan cả tuyến đường. Có thể thấy ngay đường Quang Trung là tuyến đường xuyên tâm quan trọng nhất của TP Hà Đông nhưng công tác quy hoạch và xây dựng tuyến đường này gặp nhiều khó khăn vì các hộ dân bám dọc, dày đặc xung quanh.

Theo tôi được biết, việc quy hoạch các dự án dọc theo tuyến đường tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài đã được làm rất tốt bởi hai bên đường đều bố trí các dự án như khu đô thị mới Phùng Khoang, khu nhà ở khu đô thị Trung Văn, Khu đô thị mới Mỗ Lao, khu giãn dân của làng Vạn Phúc, khu đô thị An Hưng, khu đô thị Văn Khê... Tuy nhiên tôi cho rằng, công tác xây dựng theo quy hoạch cần được quản lý và giám sát chặt chẽ. Trước đây một phần tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài nằm trên địa bàn Hà Nội và phần còn lại nằm tại tỉnh Hà Tây (cũ). Nay Hà Tây đã được sáp nhập vào Hà Nội, việc khớp nối quy hoạch xung quanh tuyến đường cần được xem xét lại dưới góc độ của một địa phương, nếu cần sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với quy hoạch chung.

* Ông cũng biết Hà Nội vừa trải qua trận mưa lịch sử và toàn TP bị lụt rất nặng, ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Theo ông với dự án đường Lê Văn Lương kéo dài và các dự án xung quanh tuyến đường, chúng ta cần phải lưu ý tới những vấn đề gì để tránh được những rủi ro xảy ra?

- Trước tiên tôi xin được bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới nhân dân Hà Nội trong trận lụt vừa qua. Trong trận mưa lịch sử vừa qua có thể thấy đường Phạm Hùng cũng là một trong các tuyến đường bị ngập lụt nặng nhất, có nơi nước ngập sâu hơn một mét. Dọc theo tuyến đường Phạm Hùng, các đô thị mới cũng đã ảnh hưởng nặng nề. Đây là tuyến đường nằm thẳng với tuyến đường Khuất Duy Tiến cắt qua tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài nên tuyến đường này cần quan tâm nhiều hơn nữa cho công tác quy hoạch thoát nước.



Phối cảnh khu đô thị Dương Nội (173 ha).


Quy hoạch các đô thị mới có lẽ cần được nghiên cứu dựa trên số liệu của trận mưa lịch sử này và chúng ta không nên dùng những dữ liệu cũ nữa do thời tiết ngày càng trở lên phức tạp và khó lường. Toàn bộ các dự án xung quanh tuyến đường cần được nghiên cứu quy hoạch theo hướng giữ lại các hồ ao tự nhiên, tránh san lấp. Tiếp theo đó, mạng thoát nước thuộc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài ra sông Nhuệ cần được nghiên cứu là mạng lưới thoát nước chính với hệ thống cống thoát nước đủ lớn để thoát cho cả vùng chứ không chỉ cho các dự án dọc theo tuyến đường và bản thân tuyến đường vì theo như trận lụt vừa qua, nước ngập không chỉ là các dự án dọc theo tuyến đường mà nước còn dồn từ các nơi khác về. Cần nghiên cứu trạm bơm ở vị trí gần sông Nhuệ để bơm cưỡng bức ra sông vì kinh nghiệm cho thấy nếu để thoát nước tự chảy, với cường độ mưa lớn nước mưa sẽ không thoát kịp, gây ra ngập lụt.

Trong quá trình sử dụng hạ tầng, việc duy tu bảo dưỡng định kỳ là việc cần phải thực hiện thường xuyên, các số liệu liên quan đến tình trạng hạ tầng cũng phải được cập nhập và xem xét dưới góc độ kỹ thuật.

Một vấn đề khác hiện nay cần được xem xét và giải quyết là khi các chủ đầu tư làm dự án đô thị mới, dự án cần có các điểm đấu nối thoát nước chung cho các khu dân cư hiện trạng xung quanh vì thường cốt san nền các dự án mới sẽ cao hơn cốt hiện trạng xung quanh.

Quy hoạch không chỉ là công việc của các KTS mà còn là trách nhiệm và sự tham gia của các cấp các ngành và toàn thể xã hội. Để có một thủ đô Hà Nội to và đẹp, tôi hy vọng TP Hà Nội cần triển khai công tác quy hoạch và định hướng rõ ràng hơn đồng thời mọi người dân cần được tuyên tuyền vận động về các quy hoạch định hướng này.

* Trân trọng cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng