Cho dù thị trường nhà đất có bị than phiền đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài
chính 2008 ở Mỹ, thị trường này vẫn đang được Mỹ và nhiều nước khác chú trọng hỗ trợ đặc biệt ngay trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tại sao? Vì nơi ăn chốn ở ngay tại các nước giàu có nhất đối với nhiều người dân của họ vẫn còn là ước mơ. Thế nhưng, vấn đề lại không chỉ ở căn nhà, vấn đề là thị trường...
Nói đến thị trường địa ốc là nói
đến bối cảnh kinh tế rộng hơn
lĩnh vực trong đó chỉ có người
làm xây dựng và người cần chỗ
ở. Cũng như các lĩnh vực kinh tế khác,
ngoài sản phẩm và khách hàng, hay để
có sản phẩm và khách hàng, địa ốc cần
một loạt các hoạt động trung gian, các
yếu tố có tính hạ tầng và chính sách hỗ
trợ.
Một thị trường địa ốc được xem là
hiệu quả khi nó phục vụ tốt nhất cuộc
sống dân sinh. Tuy nhiên, do là thị
trường, hoạt động ở đó là đầu tư và cần
hiệu quả kinh tế, chứ không đơn giản
chỉ dân sinh (hiệu quả chỉ là mức độ
hài lòng). Thật vậy, cùng với thị trường
tài chính chứng khoán, thị trường địa
ốc có vai trò nền tảng hoặc tương liên
trong hầu hết các hoạt động kinh tế.
Sản phẩm địa ốc vừa là hàng hóa (đầu
ra), vừa là "nguyên liệu" đầu vào của
hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài
bản chất kinh tế, nhu cầu lạc phúc an
cư một nhu cầu dân sinh bình thường
cao hơn "chỗ ở" , đã tạo cảm hứng cho
thị trường địa ốc phát triển. Trong thực
tế không có một nền kinh tế hội nhập
nào xem nhẹ lĩnh vực kinh tế quan
trọng này. Vậy thì điều gì là nền móng
cho thị trường địa ốc phát triển?
Thực trạng đơn độc
Trước tiên, điều nghe đã cũ nhưng
sẽ luôn cần sự quan tâm đặc biệt là hệ
thống luật rõ ràng, dễ hiểu, ổn định, để
làm nền và tạo điều kiện cho thị trường
hình thành minh bạch trước khi nó có
cơ hội phát triển. Các luật lệ liên quan
đến đất đai, xây dựng, sở hữu, định
đoạt tín dụng, thế chấp, thuế, cư trú,
di trú... sẽ cần đến độ thông, sự quán
triệt và có nối kết hợp lý. Cùng với một
hệ thống luật lệ có hiệu lực đồng bộ là
các chính sách khuyến khích, định chế
hỗ trợ, chương trình quốc gia, dự án
dọn đường... được thực hiện cho từng
thời kỳ, theo gói, và tùy tình hình . Song
song quá trình đó có sự đồng hành của
các tổ chức dịch vụ, định chế tài chính
và thị trường tài chính. Vì địa ốc không
thể một mình mà thành chợ được. Nói
cách khác, nếu không có sự đồng hành
(tham gia và chia sẽ) của các định chế
và thị trường tài chính thì không hay
khó có thị trường địa ốc vững mạnh
được. Đây gần như một thực tế có tính
điều kiện.
Phân tích trên cho thấy bối cảnh
hoạt động của một thị trường địa ốc
hiệu quả sẽ cần đến vai trò "cây cao
bóng cả" của Nhà nước, sự tham gia
đồng bộ hay yếu tố nhịp nhàng của các
định chế trung gian, nhất là các định
chế tài chính. Ngành kiến trúc xây
dựng sẽ sắm vai tạo nguồn sản phẩm.
Thật vậy, trong khi người ta thường
nghĩ (theo cách đơn giản hay cổ điển)
rằng thị trường địa ốc là của ngành xây
dựng, phải gắn với hay tùy thuộc vào
ngành xây dựng, được điều hành bởi
con người xây dựng… thì điều này thực
ra không phải hay không nhất thiết
vậy.
Trong thực tế, thường là những
thực tế thuyết phục, địa ốc bắt đầu từ
các nhà kinh doanh, được dẫn dắt bởi
các cái đầu kinh tế tài chính, dựa theo
chiến lược quốc gia (ở phương Tây có
cả tham vọng hay hào quang chính
trị chen vào), với sự tham gia rộng
rãi dưới hình thái lưỡng trạng (vừa là
khách hàng vừa là nhà đầu tư) của dân
cư và tổ chức. Thị trường địa ốc hình
thành và phát triển trên cơ sổ tổng hòa
như vậy và chính nó đã làm thăng hoa
cho ngành kiến trúc xây dựng.
Nhờ có sự huy động toàn lực, lợi
ích kết nối tương hỗ, việc sở hữu nhà
không còn là ước mơ đơn thuần, mà đã
hiện thực như một cơ hội đầu tư nhờ
giá trị được chẻ nhỏ, trải dài, với các
điều kiện và khả năng định đoạt linh
hoạt được thiết kế sẵn. Những công cụ
truyền thống như chế định để đương
(mortgage), tín thác đầu tư địa ốc
(REIT), bảo chứng mua nhà, các cơ
chế thứ cấp dành cho công cụ tài chính
địa ốc... đã giúp hóa giải vấn đề cơ bản
của thị trường về sức mua, về vốn và
pháp lý vận động.
Vấn đề là cách làm và sự kết nối
Cơ chế "nhà nước nuôi dưỡng thị
trường" thì hầu như nước nào cũng
có, nhưng họ chỉ tạo điều kiện và dẫn
hướng chứ không bao cấp hay làm thay
thị trường. Nhà nước tạo điều kiện để
người thu nhập thấp có thể mua nhà
hay có chỗ ở tạm chứ không đi xây nhà
thu nhập thấp. Nhìn chung, ít có ở đâu
mua bán nhà mà "tiền trao cháo múc"
như ở ta. Dựa trên các hành lang hay
chính sách khuyến khích, các giao dịch
thường diễn ra trong bối cảnh tay ba
hay tay tư, gồm bên mua, (các) bên tài
trợ và bên bán.
Nhờ có cơ chế trả dần theo gói
(mortgage amortization), người mua
một đơn vị nhà có thể chọn trả từ 1-360
lần trong 30 năm. Ở Trung Quốc và
nhiều nước khác chỉ cần trả trước 20%
là có nhà ở. Gần đây, với chính sách
khuyến thị, công dân Úc khi mua căn
nhà đầu tiên sẽ được chính phủ cho
không một khoản tiền là 21.000 đô
la Úc. Dù nhận được nhiều ưu ái, thị
trường nhà vẫn luôn có mức cầu cao, ít
ra là trên lý thuyết. Ngay như Mỹ, vào
đỉnh cao 2004 tỷ lệ sở hữu nhà cũng
chỉ là 69,2%...
Ở Việt Nam, để biết thị trường đang
ở đâu ta có thể xem hoạt động của các
doanh nghiệp địa ốc. Doanh nghiệp
trong nước thường phải cáng đáng từ
khâu xin chủ trương, đền bù giải tỏa,
đến hoàn tất căn nhà. Phổ biến còn
tự chạy tiền, xây dựng, bán hàng, hậu
quản... Những "tập đoàn" đổ mồ hôi
mang vác đủ thứ, đơn độc bao sân
như vậy hẳn sẽ khó tiến xa. Có thể lấy
trường hợp đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này để so sánh. To như Keppel
Land với dự án Sai gon Sport City thì
họ cũng chỉ là một "developer" (chủ
dự án). Đáng nói, họ chỉ có thể thực
hiện dự án trong điều kiện đất sạch
và đường thông. Không có đất sạch
và đường giao thông, thì nhiều tỉ đô la
cam kết đầu tư cũng chỉ là trên giấy.
Bên cạnh những khó khăn khác, đây
cũng chính là gánh nặng nhiêu khê
của doanh nghiệp trong nước. Có lẽ do
vậy mà đô thị ở ta thường bị phình to
thay vì phát triển vệ tinh. Nhưng ngay
cả các "township" sát nách thành phố
vẫn cứ ngổn ngang, da beo...
Trước, ta thường nói "ăn thì nhiều chứ
ở có bao nhiêu". Nay, để thêm phong
phú, có thể thay qua đổi lại là "ở thì
nhiều chứ ăn có bao nhiêu". Dù chưa có
thống kê rõ ràng, nhu cầu về nhà ở và
cải thiện cái ở tại Việt Nam nhìn chung
còn rất lớn. Nhưng do đâu địa ốc tại Việt
Nam cứ lúc nóng lúc lạnh, lại diễn ra khá
dày mới là vấn đề (từ 1991-2007 có ít
nhất bốn đợt suy giảm, đa phần không
liên quan đến bối cảnh kinh tế chung).
Vấn đề là cách làm và sự kết nối. Lâu nay
ở ta việc "ai làm gì" trong thị trường địa
ốc tưởng đã rõ mà chưa có! Gần đây, khi
mở cửa và quan sát cách làm của nước
ngoài, có thể ta đã thấy phần nào vấn đề.
Nhưng điều gì đã thấy, đã làm được, chỉ
mới dừng lại ở "mặt tiền" (phần ngọn)
của một chuỗi việc liên lập. Thị trường
lại đang trong giai đoạn hội nhập ngang,
với sự xuất chiêu của nhiều cỗ máy đầu
tư lớn và bài bản, áp lực sàng lọc đến
phải nhường sân do đó sẽ ngày một cao.
Bối cảnh như vậy đòi hỏi sớm có cách
làm quy ước.
Không thể chậm hơn, cả thị trường
và doanh nghiệp cần được nhận dạng
lại một cách toàn diện về hiện trạng
hoạt động. Thị trường địa ốc nước nhà
lại chỉ mới chuyển mình ở giai đoạn
khởi đầu đang còn quá tiềm năng,
nên rất dễ bật lên. Nhưng từ tiềm năng
đến cơ hội, và khả năng khai thác hiệu
quả còn cần cả một "dây chuyền công
nghệ". Đây có thể là gợi ý cho một giai
đoạn canh tân vậy.