Cần “lối thoát” cho nhà ở xã hội

Cập nhật 21/11/2017 13:51

Mặc dù nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, các bộ, ngành và có nhu cầu lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà với việc phát triển dự án nhà ở xã hội.

Khó khăn lớn nhất với nhà ở xã hội hiện nay là thiếu nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: Dũng Minh

Khó đủ đường

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định: “Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”. Cùng với việc phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, thì cần phải tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay gặp nhiều khó khăn, nguồn cung đang rất thiếu. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân là nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn thấp.

Một số chính sách hỗ trợ nhà ở đang thực hiện nhưng thiếu nguồn vốn triển khai tiếp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc bố trí nguồn vốn cho các chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội vẫn còn chậm.

Cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đứng ngoài việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội vì liên quan đến lợi nhuận, thủ tục hành chính còn phải qua nhiều cửa. Ngoài ra, việc bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội khi lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị còn khó khăn.

Cần sớm đưa chính sách vào cuộc sống

Để thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể, chủ đầu tư khi xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Được dành 20% diện tích đất ở trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại để bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Đồng thời, chủ đầu tư còn được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và vay vốn ưu đãi từ tổ chức tín dụng để đầu tư dự án. Được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án. Miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đối với các doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho công nhân, hoặc mua, thuê nhà cho công nhân ở, thì chi phí nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, thì được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà ở.

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tiếp tục thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân trong thời gian tới, nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính..., để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, là nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua để cải thiện chỗ ở.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới và yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở. Đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Mặt khác, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên kèm theo các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao,... theo quy định của pháp luật.

Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Nhất thiết phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, người nghèo, người thu nhập thấp tại các đô thị trên địa bàn theo quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết: “Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/NĐ-CP/2015 về việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đây được xem là “lối thoát” lớn, tạo ra nhiều động lực mới đáp ứng nhu cầu nhà ở của xã hội, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp và chưa có nhà ở ổn định tại các khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM và Hà Nội”.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, dù nhiều chính sách ưu đãi, nhưng việc triển khai trong thực tế còn một số vướng mắc, trong đó 2 vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi và vấn đề giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng kỹ thuật.

Các doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần bố trí sớm nguồn vốn ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, cả cho chủ đầu tư và người mua nhà. Ngoài ra, cần ban hành khung định mức để hạch toán các chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đấu nối cho các dự án phát triển nhà ở xã hội. Có như vậy, phân khúc nhà ở xã hội mới đủ lực phát triển trong tương lai, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản