Cần lấy lại niềm tin đối với thị trường bất động sản

Cập nhật 13/09/2012 08:40


Khu đô thị Việt Hưng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
"Thị trường bất động sản, giải pháp và cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng" là chủ đề đề của hội thảo do Báo Xây dựng tổ chức ngày 12/9 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định những năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển không ổn định. Những cơn sốt giá và lợi nhuận trong kinh doanh đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường, tạo nên làn sóng doanh nghiệp ồ ạt đổ vào đầu tư phát triển bất động sản, kể cả các đơn vị không có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Dư nợ cho vay bất động sản tăng nhanh lại đầu tư quá lớn vào phân khúc cao cấp.

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, giá cả giảm mạnh nhưng vẫn ít giao dịch. Đây là biểu hiện của sự mất lòng tin đối với thị trường nhạy cảm này.

Thị trường bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, sản xuất, kinh doanh hàng trang trí nội thất. Tình hình tồn kho vật liệu xây dựng cũng tăng lên, các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất của các nhà máy.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành một số chính sách tiền tệ như điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 15%/năm), nới lỏng hạn chế cho vay ở một số lĩnh vực kể cả kinh doanh bất động sản nhưng vẫn chưa thực sự có tác động tích cực vì độ trễ của chính sách khi thực hiện trong thực tế.

Hiện mới có một số ngân hàng thương mại có chương trình hỗ trợ vốn vay cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, bất động sản có khả năng hoàn thành trong năm 2012 và các gói tín dụng trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở thu nhập thấp cũng như gói tín dụng cho người mua nhà.

Tại hội thảo, trong khi một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phàn nàn khó tiếp cận nguồn vốn bởi điều kiện vay khó khăn, lãi suất vẫn cao khiến thị trường chưa có biến động đáng kể thì chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lại chỉ ra mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ lượng hàng tồn kho bất động sản quá lớn do mất cân đối cung cầu kéo dài.

Những năm qua, dòng tiền đổ vào bất động sản là rất lớn nhưng hiện khối tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng đang rơi vào trạng thái tồn kho - nằm bất động mà chưa được đánh giá đầy đủ, ước lượng đúng quy mô cũng như mức thiệt hại cho nên kinh tế. Giai đoạn này, đình trệ của nền kinh tế xuất phát từ bất động sản thì cũng phải nghiên cứu để thoát ra từ chính cái chốt này.

Tiến sỹ Trần Kim Chung thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất phải chính quy hóa thị trường bất động sản bởi thị trường đã từng bước chuyển sang giai đoạn tài chính hóa, quỹ tín thác đã được phép hoạt động. Động thái điều hành quan trọng nhất tại thời điểm này là hướng đến tăng trưởng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đối với thị trường bất động sản, ông Chung khẳng định.

Ngoài ra, cần nâng cao kỷ luật thông tin thị trường; sớm cho ra đời quỹ tiết kiệm bất động sản; ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thị trường thế chấp thứ cấp; đặc biệt là doang nghiệp bất động sản phải tự tìm lối đi phù hợp.

Sau cuộc chiến giảm giá liên tục, các doanh nghiệp bất động sản không chỉ tự phá giá, gây nhiễu thị trường mà còn đánh mất niềm tin của khách hàng.

Để lấy lại niềm tin đối với thị trường, Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam Phan Thành Mai cho rằng cùng với việc tăng đầu tư công, đặc biệt cho cơ sở hạ tầng thì cần sớm đưa các mô hình Quỹ hỗ trợ nguồn cầu vào thí điểm nhằm hỗ trợ thúc đẩy nguồn cầu của thị trường, giải quyết hàng tồn kho bất động sản, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tập trung vào mô hình Quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở, cho người thu nhập trung bình khá; tiết kiệm trung hạn, cho vay trung và dài hạn; có chính sách lãi suất không thay đổi suốt thời gian vay, đối với mua nhà ở; mô hình cơ quan tái cho vay thế chấp, huy động nguồn vốn dài hạn từ các công cụ trái phiếu, chứng khoán nợ, nguồn cho vay dài hạn...

Để giúp thị trường bất động sản khởi sắc trở lại và phát triển ổn định, cần phải có rất nhiều giải pháp có tính vĩ mô và lâu dài.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định trước mắt thị trường vẫn gặp nhiều khó khă, chưa thể sôi động ngay. Tuy nhiên, việc Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm thêm, dòng tiền được hướng vào các phân khúc thị trường có tính thanh khoản cao, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người mua nhà, công tác tuyên truyền đúng hướng... sẽ giúp cải thiện tình hình, tạo đà phát triển cho những năm sau.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+