Hàng triệu lao động đã và đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Thế nhưng, đời sống và sinh hoạt của họ chậm được cải thiện, thậm chí xấu đi do giá cả hàng hóa, dịch vụ “leo thang”. Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nói gì về vấn đề này?
* Ông đã nhiều lần đề cập đến nhà ở cho người công nhân tại các KCN , khu chế xuất, nhưng mọi việc dường như vẫn không có gì thay đổi?
- Đảng và Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp (DN) xây nhà ở cho công nhân thuê với giá hợp lý, nhưng rất tiếc, từ chính sách đến thực tế vẫn còn khoảng cách quá xa vì DN chỉ đầu tư vào lĩnh vực nào có lợi nhuận. Trong khi đó, xây dựng nhà ở cho công nhân thuê hay xây nhà bán cho người có thu nhập thấp không có lãi, nên hầu hết DN không quan tâm thích đáng.
* Mới đây, khi tham gia góp ý vào Dự án Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ông lại đưa vấn đề này ra?
- Theo Dự án Luật thuế TNDN thì khoản chi phí mà DN bỏ ra để xây dựng nhà ở cho công nhân không được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế. Nếu vẫn quy định như vậy thì lại càng không khuyến khích DN xây nhà ở cho công nhân hoặc xây nhà ở cho công nhân thuê với giá hợp lý.
Tôi thấy quy định này vô lý nên đã có ý kiến đóng góp. Sau đó, tôi đã gặp và thảo luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh về vấn đề này. Bộ trưởng đã đồng ý với quan điểm của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và cho biết, nếu DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thì dự án này vẫn được tính khấu hao theo quy định, khoản đầu tư được coi là chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN.
* Nếu chỉ có vậy xem ra còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp, thưa ông?
- Để xử lý vấn đề này, theo tôi, ngoài việc cho phép DN được tính khấu hao và coi khoản đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân là chi phí hợp lý thì Chính phủ phải giao cho một bộ nào đó thành lập Cục Xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Cơ quan này được Nhà nước giao đất, xây dựng nhà ở và bán theo giá quy định hoặc cho thuê với giá quy định theo nguyên tắc không lấy lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu.
Có như vậy thì may ra người lao động nghèo mới có cơ hội mua nhà, thuê nhà, còn nếu các DN đầu tư vào dự án bất động sản vẫn chạy theo mục đích lợi nhuận như hiện nay người lao động nghèo khó có thể sở hữu hoặc thuê được chỗ ở ổn định với giá cả hợp lý.
* Ngày 1-1-2008, Chính phủ đã điều chỉnh nâng lương tối thiểu, thế nhưng chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng quá cao khiến đời sống người công nhân càng trở nên khó khăn hơn, thưa ông?
- Trong bối cảnh này đúng là đời sống của người công nhân rất khó khăn, mặc dù trong nhiều năm gần đây năm nào Chính phủ cũng nâng lương tối thiểu vì trên thực tế thu nhập của người công nhân vẫn không tăng kịp với tốc độ tăng giá tiêu dùng.
Chính phủ đã và đang tìm mọi biện pháp, dốc mọi nguồn lực có thể để kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng là điều đáng trân trọng. Tôi tin người công nhân lao động và những người bị cơn bão giá tác động đến cuộc sống đánh giá cao và ủng hộ quyết tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, ngoài nỗ lực của Chính phủ và các ban, ngành, còn cần sự chung tay, góp sức của DN, nhà đầu tư mới cải thiện được cuộc sống của người lao động.
* Giải pháp hiệu quả nhất có lẽ là khuyến khích DN tăng lương cho công nhân?
- Nhà nước và Công đoàn khuyến khích DN trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định. Tôi nghĩ, DN nào đầu tư bài bản đều hiểu rằng chăm lo phát triển nguồn lực chính là đầu tư cho sự phát triển lâu dài của DN.
Bởi trong khi giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh mà thu nhập của người lao động không tăng thì chắc chắn người ta phải đi tìm công việc mới. Tình trạng công nhân bỏ việc là một thực tế đã diễn ra tại các KCN trên cả nước chứ không riêng gì ở TP.HCM, Bình Dương hay Đồng Nai.
* Ông có lo ngại trước tình trạng công nhân bỏ việc, đình công do đời sống của họ không được bảo đảm?
- Đình công, lãn công, bỏ việc là điều mà cả người lao động, giới chủ, tổ chức công đoàn cũng như cơ quan quản lý nhà nước đều không muốn. Bởi tình trạng này gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế, khiến cho môi trường đầu tư giảm tính cạnh tranh và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tôi cho rằng cả người lao động, giới chủ, tổ chức công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước cần tìm ra các giải pháp có thể đáp ứng được đòi hỏi chính đáng của người lao động, nhưng đồng thời bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư thì mới có thể tạo được sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Đầu Tư