Đó là ý kiến của GS.TS Đặng Hùng Võ về việc xem xét để có những quyết định đúng đắn khi khai thác các nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. GS.TS Đặng Hùng Võ cũng đã có những đề xuất cụ thể để chúng ta tận dụng được triệt để tiềm lực của các nhà đầu tư nước ngoài mà vẫn nâng cao sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam.
* Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản thực hiện huy động vốn bằng cách huy động từ người dân. Theo nhiều chuyên gia, điều này đã làm cho việc tận dụng những tiềm lực tài chính của nguồn vốn FDI vào lĩnh vực này bị hạn chế. Ông nói gì về điều này?
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam và thực hiện thí điểm đầu tư các dự án bất động sản như dự án Ciputra, Keangnam… ở Hà Nội ; Phú Mỹ Hưng… ở TP.HCM. Những dự án này gây ra nhiều tranh cãi về việc thu tiền sử dụng đất của dự án và cách thức hoạt động của dự án.
Theo tôi, mục đích chúng ta thực hiện kêu gọi đầu tư nước ngoài là nhằm bù đắp những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải như vốn… Trong lĩnh vực BĐS, ta cũng có những lợi thế về đất, lao động và thị trường. Đáng lẽ, chúng ta phải coi đó là thế mạnh để tận dụng cao nhất và triệt để những thế mạnh về tài chính của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản thực hiện huy động vốn từ người dân đã cho thấy rằng, chúng ta chưa tận dụng được thế mạnh và tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục sử dụng cơ chế lấy ngay tài nguyên của Việt Nam để sinh lợi cho dự án.
* Như vậy, có nghĩa chúng ta chưa tận dụng được gì từ phía nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư ngoại, thưa ông?
Với cơ chế "bán nhà trên giấy", chúng ta cũng có thể động viên tiền tiết kiệm của những người muốn mua nhà để họ đóng góp trước. Tuy nhiên, nếu cơ chế này áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ làm cho chúng ta không tận dụng được những nguồn vốn FDI mà đáng lẽ các nhà đầu tư phải mang vào Việt Nam. Đây là điều chúng ta cần nhưng chưa làm được.
Cũng có một thực tế là, không ít dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS cũng gọi vốn của những người đăng ký mua nhà một cách bình thường. Và không có sự khác biệt trong cách gọi vốn giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bởi thế, chúng ta chưa tận dụng được gì từ phía nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư ngoại.
Theo tôi, chúng ta cần xem xét để có những quyết định đúng đắn trong việc khai thác nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam. Ai mạnh cái gì thì chúng ta khai thác triệt để những thế mạnh đó nhằm bù đắp những khó khăn nội tại.
* Vậy, ông có đề xuất nào cụ thể để Việt Nam tận dụng được tiềm lực về vốn cũng như công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài mà thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có sức hút với họ?
Tôi cho rằng, chúng ta nên nghiên cứu mô hình các dự án BĐS và nhà ở của các nước khác. Ở các dự án BĐS và nhà ở của các nước, họ thực hiện khác chúng ta. Rất ít quốc gia cho nhà đầu tư kinh doanh trực tiếp mà họ đều yêu cầu có sự tham gia kinh doanh của ngân hàng. Bởi thông qua ngân hàng, việc kiểm soát quá trình đầu tư cũng như quá trình tiêu thụ sản phẩm (bán nhà) của nhà đầu tư sẽ được thực hiện toàn bộ.
Thực tế, rất nhiều nước đã sử dụng mô hình hợp tác xã nhà ở, một mô hình mà gần đây chúng ta mới thí điểm. Thông qua mô hình này, hợp tác xã nhà ở sẽ biết và có thể khống chế mục đích mua nhà của khách hàng. Cụ thể, họ có thể kiểm soát được anh hay tôi mua nhà với mục địch gì, ở hay tích trữ, cho hay bán buôn, bán lại?
Trong khi đó, chúng ta còn để một quan hệ cung cầu về nhà ở chưa phù hợp với một khu vực vừa mang yếu tố thị trường nhưng cũng mang nặng yếu tố an sinh xã hội (bởi vấn đề nhà ỏ về mặt bản chất là vấn đề an sinh xã hội) nhưng ta lại đẩy yếu tố thị trường lên quá cao. Từ đó làm cho những tính chất xã hội cần được giải quyết lại chưa giải quyết được. Hay nói cách khác là thị trường BĐS mất yếu tố bền vững bởi yếu tố xã hội trong đó đã không được đảm bảo.
* Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị