Cần khắc phục “lỗ hổng”

Cập nhật 11/04/2016 08:41

Ngay sau bài viết “Kẽ hở quy định phân lô bán nền - Tan tác quy hoạch chung” đăng trên ĐTTC ngày 31-3-2016, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp BĐS. Các ý kiến đều tựu chung cần phải khắc phục ngay kẽ hở này chứ không thể một vài người làm sai mà phủ nhận cả chủ trương đúng đắn.

Thực ra, Quyết định 33/2014 thay thế Quyết định 19 quy định diện tích tối thiểu tách thửa đã được thực hiện 2 năm nay. Theo nhiều người dân, nhờ chủ trương này họ có được nhà ở hợp pháp, tránh tình trạng mua bán nhà đất bằng giấy tay, xây nhà không phép… Tuy nhiên, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM cho rằng một số quận, huyện hiểu sai chủ trương, đồng thời đề nghị xử lý các trường  hợp tách thửa để kinh doanh, mua bán đất, đã làm hàng ngàn người dân mua nền đất hoang mang, lo lắng.

Anh Trần Văn Nam, Giám đốc Công ty BĐS Tây Bắc, cho rằng so với Quyết định 19, Quyết định 33 có một bước “nâng tầm” khi tách thửa, đó là diện tích tối thiểu để được tách thửa nâng lên, chiều ngang lô đất cũng tăng lên. Ngoài ra, việc tách thửa phải đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và nối kết, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật hiện hữu. Bên cạnh những quy định về kỹ thuật là quy định trách nhiệm UBND quận, huyện nhằm đảm bảo khu đất mới hình thành, đảm bảo diện tích đã quy định và có hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện. Thực hiện Quyết định 33, nhiều quận, huyện đã xây dựng phương án, kế hoạch để tổ chức tách thửa theo quy định. Nhiều khu đất đã được đầu tư hạ tầng, chuyển sang làm nhà ở. 2 năm qua đã có hàng trăm khu đất được tách thửa, phân nền làm nhà ở nhiều quận, huyện vùng ven có nhu cầu đô thị hóa cao.

Việc Sở TN-MT ban hành Văn bản 142/2016 chấn chỉnh việc thực hiện tách thửa diện tích tối thiểu theo Quyết định 33, cho rằng các quận, huyện đã hiểu sai nên thực hiện không đúng quy định. Quyết định 33 cho phép hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở và có nhu cầu tách thửa do tách hộ, giải quyết khó khăn về nhà ở, chứ không phải chuyển nhượng nhà đất, kinh doanh BĐS. Trong khi đó, cán bộ một số quận, huyện lại cho rằng họ đã thực hiện đúng, Quyết định 33 không có điều nào cấm người dân, doanh nghiệp đầu tư làm hạ tầng và mua bán, sang nhượng sau khi nền đất mới hình thành.

Một khu dân cư được xây dựng từ Quyết định 33.

Đối với hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp thì đây là cơ hội mua đất nền, xây dựng nhà tạo lập chốn an cư. Mặc dù hạ tầng các khu dân cư tách thửa theo Quyết định 33 không hiện đại, quy mô như những dự án lớn, nhưng cũng tránh được sự manh mún, thiếu hạ tầng như kiểu tự phát. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ việc đầu tư hạ tầng cũng như việc kết nối xung quanh khi cho phép tách thửa. Điều này không chỉ loại bỏ những nơi làm không đến nơi đến chốn, yếu kém năng lực mà còn đảm bảo quyền lợi cho người dân. Còn việc triển khai thực hiện có kẽ hở nào TP cần tìm giải pháp khắc phục. Không thể vì một số nơi làm không tốt mà phủ nhận cả một chủ trương đúng đắn của TP. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị để tránh tách thửa, đầu tư làm dự án tự phát là cần thiết, nhưng cũng cần quan tâm đến chỗ ở của công nhân, người có thu nhập thấp. Vì thế, Quyết định 33 có điểm nào không rõ, chưa hợp lý thì cần chỉnh sửa, nhưng đừng quên quyền lợi của hàng trăm ngàn người dân đã mua đất hợp pháp, ngay tình, với mục đích thiết thực, chính đáng là tạo dựng nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư