“Cân kê” bài toán lựa nhà thầu

Cập nhật 17/08/2009 08:50

Các nhà thầu đã bắt đầu tham gia lựa chọn chính chủ đầu tư, thậm chí còn lựa chọn cả địa phương nơi triển khai dự án (Ảnh: Hoài Nam)

Tình trạng bỏ vượt giá gói thầu tại các dự án ODA có quy mô vốn lớn, khiến Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) bối rối trong việc giải bài toán lựa chọn nhà thầu.

“Điệp khúc” vượt giá dự toán


Trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, Bộ GTVT đã phải gửi liên tiếp 2 văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý các tình huống đấu thầu tại Dự án xây dựng Quốc lộ 3 (mới), đoạn Hà Nội – Thái Nguyên và Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu. Được biết, đây đều là những dự án hạ tầng sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), được triển khai trên địa bàn Hà Nội và cùng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, mặc dù đã tiến hành điều chỉnh lại dự toán, điều chỉnh hình thức đấu thầu, quy mô gói thầu nhưng giá bỏ thầu thấp nhất tại cả 4 gói thầu xây lắp của Dự án xây dựng Quốc lộ 3 (mới), đoạn Hà Nội – Thái Nguyên đều vượt dự toán gói thầu. Cụ thể, tại gói thầu PK1A, giá bỏ thầu thấp nhất vượt giá dự toán 45,5 tỷ đồng (5,46%); tại gói thầu PK1B, giá bỏ thầu thấp nhất vượt giá dự toán 118 tỷ đồng (10,56%); tại gói thầu PK1C, giá bỏ thầu thấp nhất vượt giá dự toán 60,3 tỷ đồng (6,53%); tại gói thầu PK2, giá bỏ thầu thấp nhất vượt giá dự toán 14,3 tỷ đồng (0,95%).

Mặc dù Bộ GTVT đã tiến hành xem xét làm rõ một số đơn giá nhà thầu bỏ giá cao, nhưng vẫn chưa thể cùng nhà thầu thống nhất hiệu chỉnh. Về phía đại diện chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 2 khẳng định rằng, giá dự toán các gói thầu đã được họ cập nhật rất hợp lý theo các quy định hiện hành nên không thể “nới” thêm được nữa.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong cuộc đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây lắp được tổ chức lại vào tháng 6/2009, có tới 66 bộ hồ sơ mời thầu được bán đã cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của Dự án. Trước đó, do nguyên nhân tương tư,ù các gói thầu xây lắp tại dự án xây dựng đường cao tốc dài 62 km, với tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng này, đã từng phải hủy kết quả đấu thầu diễn ra vào tháng 8/2008.

Trong khi đó, tại gói thầu số 2 (xây dựng cầu và đường dẫn phía Nam, Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu), thời hạn đóng thầu liên tiếp phải hủy do các nhà thầu Nhật Bản từ chối tham gia đấu thầu. Do gói thầu có khối lượng các hộ dân và công trình công cộng phải di dời rất lớn, cộng với sự chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng vốn đã trở thành căn bệnh kinh niên tại Hà Nội là hai lý do khiến chủ đầu tư không thể thuyết phục nổi các nhà thầu tham gia.

Khó cho chủ đầu tư

Những diễn biến tương đối bất thường trong quá trình đấu thầu tại 2 dự án nói trên đang khiến Bộ GTVT đứng trước những lựa chọn khó khăn. Được biết, tại Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu, Bộ GTVT đang cân nhắc phương án kiến nghị JICA cho phép các nhà thầu Việt Nam được tham gia đấu thầu gói thầu số 2 với tư cách là nhà thầu chính. Điều này có nghĩa là, chủ đầu tư phải chấp nhận đánh đổi giữa tính chuyên nghiệp của các nhà thầu ngoại với “lối đánh du kích về mặt bằng” mà các nhà thầu nội có nhiều ưu thế.

Đối với Dự án xây dựng Quốc lộ 3 (mới), đoạn Hà Nội – Thái Nguyên, việc hủy kết quả để đấu thầu lại không phải là một giải pháp tối ưu, nhất là khi Dự án đã bị chậm tiến độ tới hơn 2 năm và hoàn toàn không có gì đảm bảo rằng, chủ đầu tư sẽ tìm được nhà thầu chịu bỏ giá thấp hơn. Tuy nhiên, nếu chấp nhận giá dự thầu của các nhà thầu bỏ giá thấp nhất, ngoài việc phải điều chỉnh dự toán gói thầu, chủ đầu tư sẽ phải chấp nhận bổ sung một lượng vốn không nhỏ cho Dự án. “Điều này chắc chẵn sẽ có những tác động tiêu cực tới hiệu quả đầu tư của Dự án, dù đó việc mang tính bất khả kháng”, một chuyên gia của Bộ GTVT đã đưa ra cảnh báo như vậy.

Bên cạnh những khó khăn của chủ đầu tư, theo ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, việc các nhà thầu kiên quyết không chịu giảm giá và từ chối tham gia các gói thầu có nguy cơ vướng mặt bằng cao cho thấy, thị trường xây dựng cơ bản đang có những chuyển biến tích cực. “Thị trường không chỉ còn là cuộc chơi do người mua (chủ công trình) nắm thế chủ động, mà các nhà thầu (bên bán) đã bắt đầu tham gia lựa chọn chính chủ đầu tư, thậm chí còn lựa chọn cả địa phương nơi triển khai dự án”, ông Việt bình luận. Tình trạng bỏ vượt giá gói thầu tại các dự án ODA có quy mô vốn lớn, khiến Bộ GTVT bối rối trong việc giải bài toán lựa chọn nhà thầu.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư