Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhưng trong tương lai cần hướng tới một thị trường phát triển bền vững.
BĐS Việt Nam tương lai cần hướng tới một thị trường phát triển bền vững. Nguồn: internet
|
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại Hội thảo “Kinh doanh BĐS - cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức ngày 27/11/2014
Vẫn còn nhiều bất cập
Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, hiện nay thị trường đang tồn tại một số bất cập, như: Ba chủ thể tham gia thì trường đều đang còn hạn chế, đó là hệ thông quản lý chính quyền, cơ chế chính sách, công chức quản lý ngành BĐS chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.
Còn doanh nghiệp và người dân vẫn chưa trang bị kiến thức cơ bản về thị trường BĐS, nên tình trạng khiếu kiến, tranh chấp... vẫn còn đang diên ra thường xuyên; Thị trường phát triển không theo kế hoạch và quy hoạch.
Đơn cử như: quy hoạch Hà Nội đến năm 2020, 2030... song vẫn chưa có lộ trình phát triển mà vừa quy hoạch xong đã cấp hết đất, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang ngập tràn như hiện nay, nhưng thực chất trên hiện trường đều đã có chủ rồi; Cơ cấu hàng hóa không hợp lý, các doanh nghiệp chưa có điều tra thị trường, các cơ quan quản lý chưa có định hướng, hướng dẫn cụ thể, trong khi các cơ quan nghiên cứu vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về nhu cầu người dân...
Chính vì vậy, hoạt động đầu tư dàn trải không có trọng tâm trọng điểm gây lãng phí nguồn lực; Chưa có hệ thống tài chính phục vụ cho thị trường BĐS, trong khi đây là lĩnh vực cần rất nhiều nguồn lực nhất là về tài chính dài hạn mà chỉ chỉ có mỗi hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, các nước đã có hệ thống tái chính phục vụ riêng cho lĩnh vực BĐS, còn doanh nghiệp thì hầu hết không có tiềm lực tài chính để tham gia vào lĩnh vực BĐS. Đó là chưa kể đến hoạt động trong lĩnh vực tài chính hiện nay còn nhiều vấn đề lan giải, như lãi suất, công tác quản lý....
Song đã có dấu hiệu phục hồi
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo đều có chung nhận định là thị trường BĐS Việt Nam đang ngày càng xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi. Tuy nhiên, theo góc nhìn của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thì thị trường BĐS đang trên đà hồi phục chứ không còn là dấu hiệu phục hồi. Để minh chứng cho nhận định này, Thứ trưởng Nam đưa ra 3 dấu hiệu cho nhận định này, cụ thể là:
Thứ nhất, các giao dịch đã không ngừng tăng lên. Trong 02 năm trở lại đây (2013-2014), các giao dịch tăng trưởng liên tục. Trong 11 tháng đầu năm 2014, tại thị trường Hà Nội đã có gần 10.000 giao dịch chính thức (qua sàn) chưa kể các giao dịch trong dân, tăng 200% so với cùng thời điểm năm 2013. Trước đó, năm 2013, số lượng giao dịch tăng 1,5 lần so với năm 2012. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, trong 11 tháng đầu năm 2014, có 8.850 giao dịch thành công, tăng 35% so với cùng ký năm 2013. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã khởi động lại nhiều dự án, xây dựng nhiều kế hoạch bán hàng....
Thứ hai, giá đã dần ổn định, cơ bản là không tăng và đã phù hợp với sức mua của người dân. Theo Thứ trưởng, thì giá nhà ở tại Việt Nam không có tên trong tốp 20 quốc gia có giá nhà ở cao nhất thế giới. Trong khi đó, tại Đông Nam Á còn có Singapore, Indonesia. Châu Á thì có Trung Quốc, Nhật Bản. Việt Nam không nằm trong tốp 20 về giá nhà cao thì đừng nói là giá nhà cao. Sức mua trên thị trường còn đang yếu, nguyên nhân là do lương của chúng ta còn quá thấp.
Thứ ba, tồn kho BĐS đã giảm liên tục. Tính đến ngày 20/11/2014, tồn kho BĐS còn 77.800 tỷ đồng. So với quý 1/2013 thì đã giảm được 50.000 tỷ tương ứng 39%. Bên cạnh đo, dòng tiền đang đổ vào thị trường BĐS. Theo đó, dư nợ tính dụng trong BĐS tính đến thời điểm hết quý 3/2014, tăng gần 12% trong khi tăng trưởng tín dụng chung chỉ khoảng 6%, tương ứng khoảng 293.000 tỷ đồng đổ vào thị trường BĐS thông qua hệ thống ngân hàng.
Hướng tới một thị trường BĐS phát triển bền vững
Mặc dù xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên theo quan điểm của Thứ trưởng Nam, trong tương lai thị trường BĐS Việt Nam cần phát triển theo hướng bền vững.
Để làm được việc này, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để phát triển thị trường. Các doanh nghiệp phải có nhiều hành động để hướng ứng các chính sách Nhà nước tạo sự cộng hưởng trên thị trường, các trường, viện phải có nhiều nghiên cứu liên quan đến nhiều khía cạnh của thị trường nhằm tạo ra những thông điệp để hướng dẫn doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà đầu tư, người mua có những hạnh động đúng đắn trong thời gian tới để góp phần tạo sự phát triển chung cho thị trường BĐS.
Đồng thời, bỏ được tư duy, thị trường BĐS là của mấy ông nhà giàu, của các đại gia mà là thị trường BĐS của đất nước VN, một thị trường quan trọng trong nền kinh tế.
Đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên theo TS. Trần Kim Chung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong thời gian tới, cần huy động được 5 nguồn lực để tạo cú “hích” cho thị trường, cụ thể là: Nguồn FDI vào thị trường BĐS; Nguồn kiều hồi, bởi Việt Nam là 1 trong 10 nước có nguồn kiều hối lớn nhất thế giới.
Nhất là việc mới đây, Quốc hội thông qua Luật Nhà ở, trong đó quy định người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở trong nước thì đây là nguồn có tác động sâu rộng đến thị trường BĐS; Các quỹ đầu tư, quỹ tín dụng...; Từ sự hào hứng của các nhà đầu tư tiềm năng. Bởi với việc ngân hàng nâng gấp đôi tín dụng bình quân trong hệ thống như hiện nay, thì đây sẽ là động lực lớn để các nguồn lực trong dân chảy vào thị trường BĐS; Nhanh chóng hình thành một quỹ đầu tư tín thác BĐS giống như các nước phát triển trên thế giới.
Ngoài ra, TS. Trần Kim Chung cho rằng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, đó là: Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải quyết tâm triển khai ban hành các luật liên quan đến BĐS, như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS... không để tình trạng hơn 1 năm mới ban hành được nghị đinh, thông tư như Luật Đất đai vừa qua; Các bên hữu quan tham gia thị trường phải tự biết phòng vệ và biết đánh giá đối tác, bởi thực tế hiện nay vẫn chưa có con số cụ thể về nợ xấu.
Do vậy, vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn những rủi ro đối tác, các doanh nghiệp sắp “chết” nhưng vẫn mang một bộ mặt khỏe mạnh, nên vẫn tiềm ẩn rủi ro khi hợp tác kinh doanh; Các nhà đầu tư tiềm năng phải hết sức tỉnh táo, phải điều tiết lòng “ham muốn”, một nguyên lý đúc kết đó là không nên đầu tư gấp 5 lần khả năng của mình. Cuối cùng, “cần có hệ thống tài chính ngân hàng và các bên liên quan cần công khai, minh bạch, bởi hiện nay chỉ có ngân hàng mới biết tình trạng của mình” TS. Trần Kim chung nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế & Dự báo