Ít căn hộ chung cư được mở bán và giá cả bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, thị trường bất động sản tại TP HCM trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 đều sụt giảm. Cụ thể, số lượng dự án giảm 11,1%; tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm 9,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5% và phân khúc căn hộ bình dân giảm đến 68%.
Giá căn hộ chung cư lúc nóng lúc lạnh.
Quỹ đất tại TP Hồ Chí Minh ngày càng hạn hẹp kèm theo những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không triển khai được dự án. Kết quả là, thời gian gần đây thị trường bất động sản (BĐS) ít sản phẩm căn hộ chung cư mới được chào hàng, giá cả bị đẩy lên cao.
Thiếu đất làm dự án
Công ty địa ốc Phú Long cho biết, năm 2004, DN này có đấu giá được 14 khu đất ở huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, không biết việc giải phóng mặt bằng ở khu đất này ra sao mà lâu lâu đơn vị lại phải tiếp vài hộ dân đến đòi lại mảnh đất và không cho đơn vị thi công dự án. Tính đến thời điểm này, dự án đã phải nằm chờ hơn 14 năm mà chưa được thi công. Bao nhiêu vốn liếng của DN chôn chân tại dự án. Tập đoàn Novaland cũng cho hay, đơn vị đang bị ngưng kinh doanh vì 2 dự án trọng điểm đã đưa vào kế hoạch kinh doanh nhưng không được triển khai. Đó là dự án Vườn Dừa (quận 9), quy mô 158 ha, và dự án Bình Khánh (quận 2) có quy mô 30 ha. Ngoài ra, các đối tác cũng đang ngần ngại hợp tác với Novaland vì các dự án của họ bị thanh kiểm tra quá nhiều.
Hầu hết DN cho biết, tiến độ xử lý hồ sơ chậm của cơ quan quản lý liên quan dẫn đến tình trạng đất bị treo, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, khan hiếm nguồn hàng ra thị trường. Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức cũng cho hay, lợi nhuận sau thuế của họ trong quý 3/2018 giảm mạnh (-68,2% so với cùng kỳ 2017). DN này giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh thu kinh doanh BĐS giảm, các sản phẩm của công ty đã được tiêu thụ hết, còn dự án mới đang trong giai đoạn đầu triển khai, chưa kịp đưa vào kinh doanh.
Ngoài những điểm nghẽn nêu trên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho biết, các dự án căn hộ cao cấp tại khu trung tâm đang được hưởng lợi thế “độc quyền” vì từ nay đến năm 2020 thành phố quyết định không chấp thuận thêm dự án chung cư cao tầng. DN trong ngành khẳng định, quỹ đất sạch tại thị trường thành phố ngày càng hạn hẹp. Các vị trí gần trung tâm không còn nhiều. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển từng nhận định, do vướng đền bù nên hơn 500 dự án của TP HCM đang “trùm mền”, do đó thời gian tới sẽ khó có thể khắc phục được.
Để giải quyết khó khăn cho DN BĐS, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị các sở ngành khi tiếp nhận thông tin của DN cần xử lý ngay. Ông Phong cho rằng, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của thành phố sẽ nỗ lực tháo gỡ. Còn những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp trên vẫn phải đợi.
Giá bị đẩy lên cao
HoREA cho biết, thị trường BĐS TP HCM trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 đều sụt giảm. Cụ thể, số lượng dự án giảm 11,1%; tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm 9,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5% và phân khúc căn hộ bình dân giảm đến 68%. Theo khảo sát của DKRA Việt Nam, trong quý 3/2018, thị trường TP HCM có 18 dự án được mở bán, bao gồm dự án mới và giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó, cung ứng 7.152 căn, bằng 79% so với quý trước.
Nhận định về thị trường BĐS hiện nay, các chuyên BĐS cho hay, do thiếu mặt bằng để phát triển dự án nên căn hộ chào bán trên thị trường rơi vào tình trạng khan hiếm giả tạo và bị đẩy giá lên cao.
Ghi nhận của phóng viên, một số dự án nhà ở cao cấp và bình dân đều trong tình trạng “cháy hàng”. Đơn cử, tại dự án nhà ở Safia Khang Điền (quận 9), ban đầu để khách giữ chỗ được môi giới chào giá ở mức 27 triệu đồng/m2 (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Chỉ 2 ngày sau, nhân viên các sàn giao dịch BĐS thông báo, giá căn hộ của dự án đang ở mức ngất ngưởng là 29 – 30 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, đây vẫn chưa phải là giá chính thức đưa ra từ chủ đầu tư.
Lý giải nguyên nhân tăng giá chóng mặt đối với nhà ở, một nhân viên môi giới thuộc sàn giao dịch Rever cho hay: “Do nguồn cung bị ghim lại nên hầu hết sản phẩm ra thị trường trở nên đắt đỏ”.
“Hiện nay dự án căn hộ tung ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dự kiến thời gian tới nguồn cung vẫn thiếu hụt, vì vậy giá căn hộ bị đẩy lên cao” - ông Nguyễn Thanh Phú, một nhân viên môi giới địa bàn quận 9, nhìn nhận.
Ghi nhận từ các sàn giao dịch cho thấy, vì nguồn cung không nhiều cho nên dự án nào mở bán đều phải chứng kiến tình trạng “cháy hàng”. Ông Phú cho hay, sàn nhận bán một dự án gần 200 căn nhưng lượng khách đặt giữ chỗ cao hơn nhiều. Tương tự, dự án phân khúc bình dân ở tỉnh Bình Dương mở bán đợt một 300 căn nhưng có đến 600 khách đặt giữ chỗ. Sau khi bốc thăm mua đợt một, lượng khách còn lại được chuyển sang giai đoạn hai với 200 khách. Còn 100 khách được sàn chủ động chuyển sang dự án mới sẽ công bố mở bán vào tháng 12.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại đoàn kết